Một sai lầm phổ biến khi làm IELTS Writing Task 2 là vội trả lời mà không dành thời gian suy nghĩ về việc tổ chức ý tưởng bài viết, dẫn đến mất điểm ở tiêu chí mạch lạc và liên kết. Để tránh lỗi này, bạn hãy tham khảo ngay phương pháp Brainstorming và Group ý tưởng từ chuyên gia IELTS Hội đồng Anh để xây bố cục rõ ràng và viết tốt hơn.

Vì Sao Brainstorming và Group Ý Tưởng Quan Trọng?

Trong IELTS Writing Task 2, bạn chỉ có khoảng 40 phút để viết tối thiểu 250 từ về một chủ đề cụ thể. Để hoàn thành tốt phần thi này, bạn cần đưa ra luận điểm rõ ràng và lập luận chặt chẽ nhằm thuyết phục người đọc. Dưới áp lực thời gian và tiêu chí chấm thi thì việc áp dụng Brainstorm và Group ý tưởng là vô cùng cần thiết.

Một bài thi tốt không chỉ yêu cầu trả lời đúng đề, vốn từ phong phú, dùng cấu trúc ngữ pháp phù hợp, mà còn cần nội dung có tính liên kết, mạch lạc và dễ hiểu. Vậy nên, việc tổ chức bài thi chặt chẽ và thuyết phục bằng Brainstorm và Group ý tưởng là chìa khóa vàng để giúp bạn đạt điểm cao. 

Trước khi tìm hiểu và chọn kỹ thuật Brainstorming phù hợp, chúng ta cần hiểu rõ đề bài.

Hiểu Rõ Đề Bài IELTS Writing Task 2

Có 5 dạng đề thường gặp trong IELTS Writing Task 2 như sau:

  • Opinion/Agree or Disagree (Quan điểm/Đồng tình hoặc không đồng tình)
  • Problem and Solution (Vấn đề và giải pháp)
  • Discussion (Thảo luận)
  • Advantage and Disadvantage (Lợi ích và bất lợi)
  • 2-part Question (2 câu hỏi cùng lúc)

Tại sao cần hiểu rõ đề bài? Vì hai lý do sau.

Tránh lạc đề

Lạc đề là sai lầm dễ mắc phải của hầu hết thí sinh tham gia thi IELTS Writing. Để tránh mắc lỗi này, bạn cần xác định đúng dạng đề trước khi bắt đầu viết. Từ đó, bạn dễ dàng phát triển các luận điểm phù hợp và trả lời đúng trọng tâm.

Xây dựng lập luận chặt chẽ

Sau khi hiểu rõ đề bài, bạn có thể xác định các luận điểm quan trọng cần phát triển trong bài viết. Mỗi luận điểm sẽ được trình bày trong một đoạn văn, kèm theo ví dụ và giải thích cụ thể. Điều này sẽ giúp bạn tạo nên bài viết có cấu trúc rõ ràng, từ đó, gây ấn tượng tốt với giám khảo.

4 Kỹ Thuật Brainstorming Hiệu Quả

Brainstorm trước khi viết giúp bạn tiết kiệm thời gian đáng kể trong quá trình làm bài. Dưới đây là 4 kỹ thuật Brainstorm hiệu quả mà bạn nhất định lưu lại ngay!

Mind Mapping (Lập Bản Đồ Tư Duy)

Cách này giúp bạn tổ chức ý tưởng một cách trực quan. Hãy bắt đầu bằng cách xác định các từ khóa chính, sau đó phân bổ các từ khóa phụ vào các nhánh liên quan.

Một cách khác để tạo bản đồ tư duy là đặt ý chính vào vị trí trung tâm. Sau đó, hãy viết ra các quan điểm, ví dụ và chi tiết vào các nhánh xung quanh. Chiến lược này chắc chắn sẽ giúp bạn hình dung rõ toàn bộ suy nghĩ của mình trên trang giấy.

Ưu điểm của Mind Mapping là giúp tạo ra và kết nối ý tưởng, đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau của vấn đề, tăng khả năng ghi nhớ, sáng tạo và tiết kiệm thời gian trong quá trình viết.

Ví dụ: “There is an increasing trend around the world of married couples deciding not to have children. Discuss the advantages and disadvantages for couples who decide to do this.”

Đối với đề này, bạn chỉ nêu Advantages - Disadvantages, không bày tỏ quan điểm cá nhân.

Xem thêm gợi ý trả lời với cách lập bản đồ tư duy

Gợi ý trả lời: Bạn có thể lập bản đồ tư duy với từ khóa chính là “child-free choice”. Tiếp đến, bạn có thể phân tích lợi ích và hạn chế khi chọn việc không có con như sau.

Advantages:

  • More time for a career
  • Increased personal freedom
  • Less financial burden
  • Less environmental impact

Disadvantages:

  • Social isolation
  • Lack of support in old age
  • Missing out on parenthood
  • Impact on the country’s economy

Liệt Kê Ý Tưởng

Gồm 2 bước sau.

Bước 1: Viết ra tất cả các ý tưởng liên quan đến đề bài

Khi bắt đầu Brainstorm, hãy ghi lại mọi ý tưởng liên quan đến đề bài. Đừng cố gắng chỉnh sửa hay loại bỏ bất kỳ ý tưởng nào ngay lúc này vì mục tiêu là thu thập càng nhiều ý tưởng càng tốt. 

Bước 2: Không đánh giá ý tưởng ngay lúc này

Điều quan trọng là không đánh giá các ý tưởng mà bạn đã viết xuống. Những ý tưởng ban đầu có thể không hoàn hảo nhưng có thể dẫn đến lựa chọn hay hơn sau khi lọc. Việc đánh giá quá sớm có thể khiến bạn bỏ lỡ những ý tưởng sáng tạo và có giá trị.

Sử Dụng Câu Hỏi Gợi Ý

Hãy đọc kỹ đề, tìm chủ đề chính và quyết định xem câu hỏi có bao nhiêu phần. 

Ví dụ: “There is an increasing trend around the world of married couples deciding not to have children. Discuss the advantages and disadvantages for couples who decide to do this.”

Trong câu hỏi này, chủ đề là "deciding not to have children”. Câu hỏi có hai phần: thảo luận về lợi ích và bất lợi của việc quyết định không có con sau kết hôn.

Hãy suy ngẫm và khai thác sâu về chủ đề bằng cách đặt các câu hỏi “WH” đặc biệt như "Ai?", "Ở đâu?", "Tại sao?", "Khi nào?", "Như thế nào?", "Bao nhiêu/nhiều?", "Cái gì?", “Cái nào?”. 

Ví dụ về các câu hỏi cho chủ đề trên như sau:

  • What are the key advantages of remaining childless for married couples? List 3 advantages.
  • What are the practical drawbacks of remaining childless?
  • What are the emotional or social drawbacks of being childless?
  • When do the disadvantages of childfree become most noticeable? (hang out with peers who had children,... )
  • Why might some couples regret their decision to remain childless?

Bước tiếp theo là tìm đáp án cho những câu hỏi này.

Thay Đổi Góc Nhìn

Đây là một kỹ thuật rất hữu ích và phổ biến. Khi bạn luyện viết luận, hãy cố gắng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, nghĩa là tập xem xét cách những người khác nghĩ về vấn đề này thế nào và tại sao như vậy.

Vẫn lấy chủ đề trên làm ví dụ: "deciding not to have children”. Bạn có thể thay đổi góc nhìn nhận vấn đề từ tư duy của người thân trong gia đình, bạn thân, đồng nghiệp hoặc chính bạn.

Ví dụ về quan điểm của người lớn tuổi trong gia đình: 

“Many grandparents are concerned about a couple's choice to remain child-free. They see children as key to family continuity and support in old age. Without grandchildren, parents may fear a loss of legacy and tradition.”

Kết Luận

Brainstorm hiệu quả là tuyệt chiêu dẫn lối điểm số IELTS Writing Task 2 đáng mơ ước. Tại kỳ thi, bạn sẽ chỉ có vài phút để lên ý tưởng cho bài luận của mình. Vậy nên, hãy luyện tập và áp dụng phương pháp này ngay từ bây giờ. Đừng quên đón đọc phần 2 của bài viết về kỹ thuật Group ý tưởng sau khi Brainstorming nhé!