©

British Council

Bạn có đồng ý với Hội đồng Anh rằng, phần 1 trong thi Speaking là phần “dễ ăn điểm” nhất không? Ấy vậy nhưng ngay cả những bạn có trình độ cao vẫn đôi lúc bị “tạch” oan uổng vì chủ quan ở phần này đấy! Nhanh đọc bài viết này để bỏ túi ngay những mẹo hay giúp bạn có khởi đầu tốt nhất trong hành trình chinh phục mục tiêu IELTS Speaking nào! 

Hiểu cấu trúc đề thi của Phần 1

Phần 1 của thi Speaking sẽ diễn ra trong vòng 4-5 phút, không bao gồm thời gian chào hỏi và kiểm tra Căn cước công dân (CCCD)/Hộ chiếu. Trong suốt phần thi này, giám khảo sẽ hỏi bạn khoảng 10-12 câu với 3 chủ đề khác nhau.

Chào hỏi

Trước khi bắt đầu thi, giám khảo sẽ ghi âm và đọc to vài thông tin để xác nhận kỳ thi, bao gồm ngày thi và địa điểm thi, tên của bạn và số CCCD/Hộ chiếu cũng như tên của giám khảo.

Sau đó, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp 3 thông tin sau:

  • Họ và tên (đầy đủ)
  • Tên mà bạn muốn được gọi (thường là tên gọi, biệt danh, hoặc tên tiếng Anh)
  • Quê hương của bạn (trả lời câu này kèm tên quê hương của bạn)

Tùy vào việc bạn thi trực tiếp hoặc thi qua cuộc gọi video, giám khảo cũng có thể cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của bạn ở bước này đấy nhé!

Giới thiệu

Tiếp theo, bạn sẽ được hỏi 2 câu liên quan đến 2 chủ đề sau:

  • Nơi bạn đang sống (tên tòa nhà hoặc thành phố/thị trấn)
  • Nghề nghiệp của bạn (vẫn còn học hay đã đi làm?)

Các chủ đề tùy chọn

Kế đến, giám khảo sẽ yêu cầu bạn chọn ngẫu nhiên và nói về 2 chủ đề quen thuộc xoay quanh cuộc sống hằng ngày như sau: 

  • Đọc (sách)
  • Tivi
  • Những người bạn
  • Thời tiết 
  • Đồ đạc
  • Những con vật
  • Vân vân…

Trong số những chủ đề này, không có chủ đề nào quá khó đến nỗi bạn không trả lời được, mặc dù vài câu hỏi có thể có từ vựng hoặc ngữ pháp mà bạn không quen dùng.

Biết mình nói trong bao lâu

4 đến 5 phút là khoảng thời gian không lâu để trả lời tới 12 câu hỏi. Vì vậy, bạn hãy trả lời ngắn gọn; trung bình mỗi câu chiếm 20-25 giây và mỗi lần nói 2 đến 3 câu là ổn. Ở một số trường hợp, bạn có thể trả lời ngắn hơn hoặc dài hơn một chút tùy vào câu hỏi nhé!

Triển khai ý từ các câu trả lời 

Bạn có biết, các câu trả lời ngắn chỉ gồm một từ hoặc vài từ sẽ không được chấp nhận trong IELTS Speaking. Vì vậy, bạn hãy luôn triển khai câu trả lời của mình một cách chi tiết hơn, chẳng hạn như (các) lý do cho câu trả lời của bạn. Nếu bạn không trả lời đầy đủ, giám khảo sẽ hỏi bạn “tại sao” hoặc “tại sao không” để khuyến khích bạn tiếp tục trả lời.

Hãy so sánh hai câu trả lời dưới đây:

What pets are most popular in your country?

Câu trả lời quá ngắn như sau:

  • Dogs are the most popular. 

Câu trả lời được triển khai ý như sau:

  • I would say dogs are the most popular. It’s probably because they are so loyal and friendly and can help people to do jobs like guarding the house. A lot of people in my area are afraid of thieves.  

Hãy chuẩn bị cho sự gián đoạn 

Triển khai ý và mở rộng các câu trả lời không có nghĩa là bạn nên nói càng lâu càng tốt. Hãy lưu ý, nếu bạn nói quá lâu về một câu hỏi ở Phần 1, giám khảo có thể dừng bạn lại và chuyển sang câu hỏi khác. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, đừng quá lo nhé vì không phải bạn đã làm sai điều gì hoặc giám khảo không thích câu trả lời của bạn đâu! Bởi vì giám khảo có trách nhiệm thu thập mẫu bài thi Speaking tốt nhất của bạn bằng cách cố gắng hỏi bạn càng nhiều câu càng tốt. Do đó, nếu giám khảo nói “cám ơn bạn”, thậm chí lúc bạn đang nói, thì bạn chỉ cần dừng lại và chuẩn bị trả lời câu tiếp theo thôi.

Tạo bầu không khí thi thân thiện

Bạn đã nghe về tầm quan trọng của việc tạo ấn tượng tốt trong lần gặp đầu tiên chưa? Khi thi IELTS Speaking cũng vậy đấy, bạn sẽ không bị đánh giá về tích cách hay ngoại hình nhưng bạn hoàn toàn có thể nâng cao hiệu suất trong các tiêu chí chấm điểm nếu chuẩn bị cho mình một tinh thần phấn chấn lúc bắt đầu thi.

Ví dụ như, việc mỉm cười sẽ giúp bạn và những người xung quanh cảm thấy bình tĩnh hơn đấy. Lo lắng khi thi là điều bình thường, đặc biệt là lúc bắt đầu thi Speaking. Dù sao đi nữa, đây là lần đầu bạn gặp một người lạ; anh ấy/cô ấy lại là người ngoại quốc, và có thể lớn tuổi hơn bạn. Bên cạnh đó, nhiều bạn sẽ cảm thấy cách phỏng vấn trong phần thi này có thể nghiêm khắc và trang trọng hơn.

Việc quá lo lắng thường ảnh hưởng đến sự trôi chảy và phát âm. Mặt khác, nếu bạn tạo được bầu không khí thoải mái bằng cách mỉm cười và tạo tiếng cười đúng thời điểm, bạn sẽ thể hiện phần thi một cách dễ dàng hơn, chưa kể đến việc giúp cho trải nghiệm toàn bộ quá trình thi trở nên thú vị hơn.

Hào hứng tiếp nhận các câu hỏi

Thành thật mà nói, một số câu hỏi trong thi IELTS có thể gây nhàm chán. Có lẽ bạn sẽ may mắn gặp được câu hỏi liên quan đến điều gì đó mà bạn đam mê. Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp những câu hỏi liên quan đến các chủ đề mình không biết hoặc không thích thảo luận.

Khi một người cảm thấy chán, họ thường nói với tông giọng và ngữ điệu đều đều. Ngược lại, lúc hào hứng, giọng nói của chúng ta thường mang cảm xúc tươi tắn với ngữ điệu phấn khởi. Điều này có nghĩa là sự phấn khích, thậm chí là giả vờ cũng có thể nâng điểm phát âm của bạn. Vì thế, kể cả khi gặp phải chủ đề mình không thích, hãy cố gắng thảo luận về nó như thể đó là điều mà bạn vô cùng quan tâm nhé!

Sử dụng từ và văn phong gần gũi

Như đã nói ở trên, các câu hỏi trong Phần 1 chủ yếu xoay quanh các chủ đề thảo luận thường ngày. Khi trò chuyện với ai đó về các chủ đề này, sẽ không thân thuộc nếu dùng từ vựng học thuật phức tạp để nói về những điều đơn giản. Tuy vậy, vẫn có nhiều bạn làm điều này vì các bạn nghĩ sẽ tạo ấn tượng với ban giám khảo tốt hơn.

Sự thật là các giám khảo cũng sẽ lắng nghe để xem cách bạn phát âm tự nhiên như thế nào trong ngữ cảnh câu hỏi và cách bạn kết hợp các từ (cụm từ). Hãy tham khảo các câu trả lời cho câu hỏi sau:

What is the weather like where you live?

  • The climatological variation in my native home is drastic. It is affected by sunshiny and enormous rains.
  • The weather changes a great deal in my city and quickly sometimes. It can be perfectly sunny one minute and the next it’s pouring down rain.

Ở ví dụ đầu tiên, thí sinh cố gắng sử dụng càng nhiều “big words” càng tốt. Kết quả là, thi thoảng bạn ấy sử dụng từ và cụm từ (in đậm) không chính xác. Đối với câu trả lời thứ hai, bạn đã sử dụng từ đơn giản và cũng dễ hiểu hơn, nhờ đó thể hiện được văn phong phù hợp với câu hỏi này. Giám khảo sẽ có thể nhận ra những cụm từ (gạch chân) được phát âm tự nhiên hơn.