Học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định đang làm thí nghiệm khoa học trong dự án "Trồng cây thâm canh trên phần mái của trường". ©

British Council

Sau đợt tập huấn phương pháp giáo dục theo định hướng STEM của Vương quốc Anh tại Việt Nam vào tháng 8 năm 2016 với sự phối hợp tổ chức của Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam dưới sự tài trợ của Quỹ Newton, hơn 50 dự án STEM đậm tính thực tiễn và địa phương của 14 trường thí điểm đã được triển khai và thu được kết quả đáng tự hào.

STEM (Khoa học (S), Công nghệ (T), Kỹ thuật (E) và Toán học (M)) là hình thức giáo dục khuyến khích học sinh sử dụng kiến thức tổng hợp của các môn liên quan để vận dụng vào các hoạt động giải quyết vấn đề, với sự trợ giúp của các công cụ và phương pháp dạy học phù hợp.

Theo số liệu từ Bộ Lao động Hoa Kỳ (2013), 65% nghề nghiệp mà học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm trong tương lai còn chưa xuất hiện. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu nhân lực công nghệ trong tương lai, STEM là một phương pháp giáo dục giúp xây dựng năng lực và kỹ năng cho học sinh để đáp ứng những thách thức tương lai đó.

Sau đợt tập huấn với sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh, những dự án STEM tại các trường thí điểm đã được lên ý tưởng và triển khai bài bản, đem lại một nguồn cảm hứng học tập mới cho các em học sinh.

“STEM khiến cho con cảm thấy khoa học là một thứ thật kỳ diệu.” – em Nguyễn Đình Chính, học sinh lớp 7 trường THCS Tạ Quang Bửu hân hoan chia sẻ.

Sự kỳ diệu của khoa học được gợi cảm hứng từ những điều hết sức gần gũi: Đó là dự án làm nước rửa bát từ rác thải sinh vật được bắt đầu từ nỗi lo khi cô và mẹ rửa bát bằng hóa chất bị bong lở da tay tại trường THPT Nam Sách II, là dự án trò chơi “Mê cung Hóa học” của trường THPT Hòn Gai được bắt đầu khi học sinh Nguyễn Anh Tú nghe được những lời than thở của bạn bè về việc học Hóa. Đó còn là dự án trồng cây thâm canh trên phần mái của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định - một tỉnh có truyền thống nông nghiệp lâu đời. Với những học sinh trường chuyên, STEM không chỉ bồi đắp thêm tình yêu khoa học trong các em mà còn như một cách để giảm bớt căng thẳng sau giờ học, khi các em cùng nhau chăm sóc vườn rau sạch – điều rất quan trọng với một trường chuyên luôn đặt yếu tố thi cử lên hàng đầu.

“Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp thực hiện dự án STEM này thông qua chương trình của Hội đồng Anh và rất muốn hi vọng hình thức này được phổ biến hơn nữa trong tương lai” – Anh Nguyễn Xuân Hoàng, Giáo viên Vật lý, Thư ký hội đồng trường THPT Chúc Động bày tỏ.

Giai đoạn ủ men trong dự án làm nước rửa bát từ rác thải sinh vật của trường THPT Nam Sách II, Huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. ©

British Council