©

Sơn Tùng

Hội đồng Anh với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi giao lưu tại Hà Nội ngày 12 tháng Ba năm 2019 để chia sẻ các kết quả của các dự án theo nguồn Quỹ hỗ trợ hợp tác giáo dục đại học Vương quốc Anh Việt Nam (UK–VN HEP), thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong tương lai và giới thiệu chương trình UK–VN HEP cho năm 2019–2020.

Chương trình là hoạt động tiếp nối cho cam kết của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới năm 2019 tại London hai tháng trước đây trong việc hợp tác chặt chẽ với Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy hợp tác trường đại học và doanh nghiệp, xúc tiến thêm các chương trình liên kết đào tạo, và hỗ trợ về lãnh đạo và quản trị trường đại học. Kết quả ban đầu của quỹ UK–VN HEP là một mạng lưới gồm 14 trường đại học Vương quốc Anh và 30 trường Việt Nam đã được thành lập với những kết quả tích cực trong năm đầu hợp tác.

Tại buổi giao lưu, kết quả các dự án hợp tác Vương quốc Anh – Việt Nam được chia sẻ với Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, PGS TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, đại diện của Global Wales, và 130 lãnh đạo giáo dục và chuyên gia trong và ngoài mạng lưới các trường đại học Vương quốc Anh và Việt Nam.

Nâng cao giá trị hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, vai trò hỗ trợ của trường đại học đối với ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy văn hóa chất lượng, thắt chặt kết nối giữa các trường đại học là những chủ đề trao đổi chính giữa các trường đại học Vương quốc Anh và Việt Nam tại buổi giao lưu. Sự kiện cũng là một cơ hội cho các trường đại học chia sẻ kinh nghiệp của tám dự án UK–VN HEP trong bốn lĩnh vực ưu tiên là lãnh đạo và quản trị trường đại học, liên kết đào tạo và đảm bảo chất lượng, hợp tác trường đại học và doanh nghiệp và nghiên cứu và dịch chuyển.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Phúc chia sẻ ‘Vương quốc Anh là đối tác có mối quan hệ hợp tác giáo dục mạnh mẽ và phát triển nhanh chóng với Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích hợp tác chặt chẽ hơn giữa các trường đại học, các tổ chức giáo dục của Vương quốc Anh và Việt Nam. Qua Bản ghi nhớ được ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh tại Việt Nam, một mạng lưới các trường đại học Vương quốc Anh và Việt Nam đã được thành lập, và đã đạt được những thành tựu tích cực từ giai đoạn đầu tiên. Chúng tôi hy vọng mạng lưới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.’

Đại diện Global Wales, cô Mairwen Harris cũng tham dự sự kiện và nêu ra những hợp tác tích cực giữa Global Wales và năm trường đại học Việt Nam trong lĩnh vực lãnh đạo và quản trị. Global Wales cũng bày tỏ mong muốn của các trường đại học xứ Wales trong việc tăng cường hợp tác và thực hiện các hoạt động xây dựng năng lực cho Việt Nam.

Đai học Bách khoa Hà Nội là một trong năm trường đại học trong nhóm làm việc với Global Wales. Hiệu trưởng ĐH Bách khoa, PGS TS Hoàng Minh Sơn cho biết ‘Các trường đại học Việt Nam có thể học rất nhiều từ mô hình các trường đại học xứ Wales, từ cấp chính phủ, cấp bộ đến cấp trường. Tham gia vào dự án và chia sẻ kinh nghiệp với Global Wales là một cơ hội tuyệt vời cho các lãnh đạo đại học Việt Nam hiểu được những thay đổi trong giáo dục đại học trên toàn cầu, và tìm hiểu những điểm tương đồng quan trọng trong quốc tế hóa, tự chủ và hạn chế ngân sách  - các vấn đề các trường đại học trên thế giới đang đối mặt.’

Ông nói các lãnh đạo giáo dục đại học Việt Nam cần phải học các mô hình giáo dục của các quốc gia phát triển, thành công và thất bại của họ cũng như đánh giá tính phù hợp với giáo dục đại học tại Việt Nam.

Ông nói thêm, một trong những thử thách lớn nhất mà các trường đại học Việt Nam đang đối mặt là nâng cao chất lượng lãnh đạo cũng như chất lượng bằng cấp, giảng dạy và số lượng giảng viên. Trong lúc chính phủ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục, các trường đại học cần có thêm đầu tư để phát triển giáo dục đại học, và coi đó là tác động chính của phát triển kinh tế. Việc phát triển nhanh chóng những kỹ thuật tiên tiến đã tạo ra những thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng đến nhu cầu nhân lực, thực lực kinh tế và giáo dục. Vì vậy, các lãnh đạo giáo dục đại học, giảng viên và sinh viên phải chuẩn bị một nền tảng vững chắc và khả năng thích ứng để thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai cho giáo dục. 

Ngoài ra, các đại diện của các dự án khác cũng chia sẻ kết quả đạt được từ các hoạt động và giá trị mang lại cho trường. Một số dự án tiêu biểu có phần chia sẻ tại sự kiện bao gồm dự án giữa các trường ĐH Salford, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Cần Thơ… về Phát triển mạng lưới bền vững về hợp tác doanh nghiệp trường đại học và nghiên cứu và dịch chuyển, dự án giữa các Đại học Bournemouth và Đại học Ngoại thương, ĐH Kinh tế TPHCM về Phát triển khung tham chiếu nhằm tối đa hóa giá trị của hợp tác trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua hợp tác quốc tế để trao đổi tri thức và phát triển chất lượng sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng cho thị trường lao động, và dự án Thúc đẩy văn hóa chất lượng giữa trường ĐH Cardiff Metropolitan và ĐH Kinh tế quốc dân. 

Quỹ UK–VN HEP đặt một nền tảng cho các chương trình hợp tác lâu dài trong tương lai. Vương quốc Anh và Hội đồng Anh cam kết hỗ trợ quốc tế hóa giáo dục đại học và thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia qua việc chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong các lĩnh vực chiến lược với Bộ Giáo dục và Đào tạo.