Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever đã có nhiều kỷ niệm với Việt Nam trong những năm 1993 -1997 khi ông làm việc ở Hà Nội với cương vị Bí thư Thứ hai về Chính trị, sau đó ông trở lại Việt Nam với vai trò Đại sứ (2014 cho đến tháng 6 năm 2018). Với ông, những câu chuyện về Việt Nam gắn với những giá trị không biên giới kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam: ban nhạc The Beatles, bóng đá và hang Sơn Đoòng.
Cơn sốt mang tên The Beatles ở Hà Nội
Vào những năm 1990, trước thời điểm Việt Nam có mạng Internet, để tiếp cận được những nguồn thông tin về văn hóa là điều không hề dễ dàng như ngày nay. Thời đó, tôi thường hay nói chuyện với người bạn Việt Nam của mình về một ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng ở phương Tây, tuy nhiên, đáp lại tôi luôn là một vẻ mặt khá mơ hồ của người bạn đó mà thôi. Thế nhưng, cũng ở thời điểm đó lại có một cái tên tiếng Anh mà ai cũng biết tới, đó là The Beatles. Vào năm 1997, ngài đại sứ lúc bấy giờ, David Fall đã quyết định tổ chức một bữa tiệc sinh nhật Nữ hoàng Anh thật hoành tráng, hơn bất cứ bữa tiệc sinh nhật nữ hoàng nào mà tôi từng chuẩn bị. Bữa tiệc diễn ra ở tư dinh của Đại sứ ở 15 Phan Chu Trinh. Một số người trong ban tổ chức (trong đó không có tôi) của cả Đại sứ quán và Hội đồng Anh thời bấy giờ đã rất nhanh nhạy khi tìm được một ban nhạc người Việt chuyên biểu diễn để hồi tưởng về nhóm The Beatles. Họ trình diễn không chê vào đâu được, và tất cả các khách mời người Việt lẫn người Anh cùng nhún nhảy theo các bản hit của The Beatles suốt cả đêm đó. Và rồi, cùng năm đó, một sự kiện còn khiến tôi ấn tượng hơn rất nhiều: Cuộc mít tinh quanh hồ Hoàn Kiếm của những sinh viên Việt Nam để tưởng nhớ ngày mất của John Lennon. Ngày đó, những cuộc mít tinh như thế là rất hiếm, nên vừa nghe thấy thế là tôi đã chạy ngay ra hồ để xem. Tôi đã bị cuốn theo dòng người từ lúc nào không hay, cùng cả trăm bạn trẻ Việt Nam vừa đi vừa hát đầy cảm xúc những bài ca của Lennon như Imagine hay Give Peace A Chance. Thật sự, đó là những giá trị văn hóa mà không thể có bất kỳ sự cản trở nào về ranh giới địa lý, thời gian hay quốc tịch.
Bóng đá
Thời đó, ngoài nhóm The Beatles, còn có một thứ khác mà chỉ cần nhắc tới tên là có thể biết chắc rằng sẽ không bao giờ có bất kỳ một rào cản nào, về biên giới cũng như những rào cản về ngôn ngữ hay quốc tịch, không còn khoảng cách giữa việc ai là người Anh, ai là người Việt nữa. Bóng đá – đó luôn là bóng đá. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng người Việt cũng ‘cuồng’ bóng đá không khác gì người Anh đó là vào dịp diễn ra World Cup năm 1994. Thời điểm đó, tối nào ở nhà tôi trên phố Bà Triệu cũng có mấy nhóm, theo đội hình năm người, cùng nhau chơi bóng ở trên đường, tất nhiên là lúc đó chưa có nhiều xe cộ, đặc biệt là ô tô như bây giờ. Và rồi sau những trận bóng đó, mọi người lại cùng rủ nhau xem World Cup trên TV. Tôi cũng đã quen với việc xuống đường, cùng tham gia vào những trận bóng đó, và luôn được các “cầu thủ” Việt chào đón rất nhiệt tình. Họ rất hiểu biết về bóng đá Anh, mặc cho việc truyền hình ở Việt Nam thời đó có rất ít thông tin về các đội bóng của Anh (tôi còn nhớ mãi chính phu quân của cô giáo dạy tiếng Việt của tôi là người đã sửa khi tôi nói nhầm tên câu lạc bộ đầu tiên của một tiền đạo người Anh).
Cũng năm đó, cùng với một nhóm bạn đa số là người nước ngoài, tôi đã đồng sáng lập đội bóng đá của Thủ đô Hà Nội. Trong suốt một năm, chúng tôi đã có rất nhiều những trận bóng giao hữu với các đội bóng cầu thủ Việt, phần lớn là ở Hà Nội, tuy nhiên, cũng có khi là ở một số địa điểm khác như Mai Châu (khi đó còn chưa phải là địa điểm du lịch của “Tây ba lô”) và Lạng Sơn. Bóng đá cho chúng tôi cơ hội được đến với nhiều miền đất của Việt Nam, làm quen với nhiều người dân bản địa (trước tiên là qua những trận bóng, sau đó là qua những bữa bia hơi và rượu), điều mà nếu không nhờ bóng đá thì chúng tôi sẽ không thể nào có được.
Tất nhiên, từ lúc đó chúng tôi cũng đã được chứng kiến thêm nhiều những minh chứng về sức hút thực sự của bóng đá tại Việt Nam, mà cụ thể là với giải Premier League (Ngoại hạng Anh). Một ví dụ rõ ràng đó là lần đội bóng Arsenal đến thăm Việt Nam với sự xuất hiện của một người hâm mộ cuồng nhiệt được gắn với cái tên “Running man”. Giờ đây, khi đã có những cái tên cầu thủ Hàn Quốc hay Nhật Bản xuất hiện ở các câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng Anh, tôi hy vọng cũng sẽ được thấy một cầu thủ Việt Nam khoác áo một trong những đội bóng nổi tiếng nhất của Anh. Hoặc có thể một nhà đầu tư người Việt nào đó sẽ đầu tư vào đội bóng quê hương tôi, đội Bolton Wanderers.
Hang Sơn Đoòng
Tôi không hề biết rằng, khi tôi còn ở Việt Nam với tư cách một nhà ngoại giao trẻ hồi những năm 90, thì đã có một nhóm những nhà thám hiểm hang động quả cảm người Anh (chủ yếu đến từ Yorkshire, quê hương của những nhà thám hiểm hang động) đang bận rộn để chuẩn bị khám phá và vẽ bản đồ những hệ thống hang động kỳ diệu ở phía Bắc và phía Tây Việt Nam. Trước đó vài năm, một người dân địa phương ở Quảng Bình tên là Hồ Khanh cũng đã tình cờ phát hiện ra lối vào của một hang động cực kỳ lớn khi ông đang tìm chỗ trú bão ở trong rừng, tuy nhiên, ngay khi rời đi ông cũng đã quên luôn địa điểm đó. Cho tới sau này, khi được giới thiệu với nhóm thám hiểm hang động người Anh, cùng với sự động viên của họ, ông đã bỏ ra nhiều năm để tìm lại lối vào hang động. Cuối cùng, vào năm 2009, ông đã tìm lại được, và cả nhóm thám hiểm người Anh, được dẫn dắt bởi Howard Limbert, cuối cùng đã khám phá được hang động mà sau này mới biết đó chính là hang động (về mặt thể tích) lớn nhất thế giới.
Là người yêu thích khám phá tự nhiên, hoang dã, tôi đã có một đặc ân lớn khi được tham gia vào chuyến thám hiểm Sơn Đoòng năm 2016, cùng với nhóm các đại sứ của các nước khác, và đã được gặp trực tiếp ông Howard và anh Hồ Khanh. Phải nhìn tận mắt mới tin được, nhiều nơi trong hang động đó trông như một hành tinh khác chứ không phải ở trái đất này. Tôi luôn ngạc nhiên khi nghĩ lại rằng một nơi mà giờ đây được công nhận là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, được tổ chức Di sản thế giới UNESCO công nhận, mà tôi lại không hề biết đến trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình ở Việt Nam. Và tôi cũng rất tự hào khi nghĩ rằng đằng sau việc tìm ra hang Sơn Đoòng, đó chính là sự hợp tác giữa hai quốc gia Việt - Anh, với tinh thần thám hiểm và khám phá của người Anh cùng sự quyết tâm và bền bỉ của người Việt.