Lương Thị Thu Hương từng làm trợ lý thực tập cho giám đốc Hội đồng Anh Robin Rickard trong năm 2012–2013. Với cô đó là nơi làm việc lý tưởng nhất, là bước ngoặt khiến một người khuyết tật về mắt như cô có được sự tự tin và các kỹ năng công việc giúp cho cô có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cho đến trước khi làm thực tập sinh ở vị trí trợ lý riêng giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam, Hương vẫn còn khá rụt rè, cô chưa được cởi mở và tự tin như bây giờ. Sự rụt rè xuất phát từ biến cố Hương bị hỏng mắt phải từ năm 12 tuổi, cô thường xuyên bị bọn trẻ trêu chọc, và điều đó khiến cô mặc cảm trong nhiều năm.
Trong quá trình Hương đi học, hết cấp ba, rồi lên Hà Nội đi làm các công việc khác nhau để có tiền trang trải việc học (hệ Đại học từ xa Viện Đại học Mở, khoa tiếng Anh) sự rụt rè của Hương được cải thiện phần nào, cô tích cực giúp đỡ mọi người, luôn thấy mình may mắn vì còn nhìn được, không bị mất hẳn thị lực như nhiều người khiếm thị khác. Nhưng chỉ cho đến khi làm việc ở Hội đồng Anh, dù chỉ trong một năm, Hương nhận ra đó là một bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp và cuộc sống.
Hương nhớ lại lúc mình được Hội đồng Anh gọi tới phỏng vấn tuyển dụng, được nhìn thấy môi trường làm việc đẹp đẽ, chuyên nghiệp, có nhiều người nước ngoài làm việc, cô cảm thấy sợ, vì đó là những điều hoàn toàn mới mẻ đối với cô. Nhưng rồi sự thân mật và hòa đồng của mọi người ở đó, đặc biệt là giám đốc Robin Rickard đã giúp Hương xóa bỏ nỗi sợ.
Hương kể: “Bác Robin là một người nhân hậu, nhẹ nhàng, và hiểu về con người. Em học được từ bác ấy tính cẩn thận. Bác Robin có dặn em là không được vội vàng, công việc bác giao cho em, nhiều khi em cố gắng hoàn thành nhanh mà chưa kiểm tra cho kỹ, bác chỉ bảo chỗ sai để em rút kinh nghiệm”.
Ở Hội đồng Anh, như tất cả mọi nhân viên khác, Hương được học tiếng Anh miễn phí. Trong công việc, cô được học những kỹ năng mới như sử dụng máy tính, máy photocopy, máy fax, lối giao tiếp kiểu văn phòng, cách xử lý các tình huống qua điện thoại, các quy trình hành chính v.vv…
Và Hương cũng rất nhớ những kỷ niệm ở Hội đồng Anh về sự đa dạng mà Hương được khuyến khích tham gia, ví dụ như hỗ trợ tổ chức từ thiện Australia dành cho trẻ em Việt Nam (ACCV) với mô hình Câu lạc bộ tiếng Anh cho người khiếm thị, sự kiện về Bảo vệ trẻ em, hay tuần lễ Diversity (Đa dạng), trong đó Hương làm người mẫu trình diễn thời trang.
Môi trường ấy đã giúp cô mạnh mẽ và lạc quan hơn trong cuộc sống, và cô luôn thấy tự hào với công việc mình làm.
Sự trưởng thành của Hương, cùng với lá thư giới thiệu từ Hội đồng Anh đã giúp cho Hương ứng tuyển thành công ở công việc tiếp theo tại bệnh viện Việt Pháp.
Hương nói rất nhiều về những gì cô nhận được từ Hội đồng Anh: “Được thực tập ở đây là cơ hội rất lớn cho em và nhiều bạn khuyết tật khác nữa để được phát triển bản thân và công việc. Mọi người giúp em có động lực rất nhiều, từ sự tận tình, động viên, và hướng dẫn, từ ánh mắt nhìn, hành động hay lời nói chân thành, nên em không ngại hỏi nếu chưa hiểu. Em thấy thoải mái và tự tin, không bị lạc lõng. Mọi người rất tình cảm. Khi em cưới mọi người đến dự, khi sinh em bé các anh chị đến tận nhà thăm. Em rất biết ơn các anh chị ở đây. Đối với em đây là môi trường đáng mơ ước, điều em cảm nhận rất rõ là tình người”.
Hiện nay Hương và chồng sống trong một ngôi nhà nhỏ ở quận Hoàng Mai, hai người có một bé gái hai tuổi rưỡi xinh xắn. Hương bên cạnh công việc tổng đài viên ở bệnh viện Việt Pháp còn có nghề tay trái kinh doanh trực tuyến để có thêm thu nhập. Chồng Hương, anh Ngô Quang Hiếu là Phó Chủ tịch Hội người Mù quận Hoàng Mai và là một gia sư tiếng Anh tài năng.
“Chính sách đa dạng hóa ở Hội đồng Anh và con người ở đó đã giúp em tự tin hơn rất nhiều. Em không nghĩ mình là người khuyết tật.”