Robin Rickard, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam những năm 2009–2013 đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp Giáo dục. Ông đã trải qua một nhiệm kỳ ý nghĩa ở Việt Nam, nơi ông và các đồng nghiệp được làm những điều mới mẻ, nơi “những con người Việt Nam đầy nhiệt huyết về đất nước của họ, hơn bất kỳ một quốc gia nào mà tôi đã từng sống”.
Việt Nam là điểm đến thứ ba mà tôi làm việc ở nước ngoài và là nơi đầu tiên tôi nhận vị trí công việc Giám đốc. Có rất nhiều câu chuyện để kể khi nói về Việt Nam – ‘kháng chiến chống Mỹ’ ‘những món ăn ngon’, ‘những bãi biển đẹp’ và đặc biệt về con người Việt Nam – ‘thân thiện’ và ‘cần cù’. Một điều chắc chắn rằng những câu chuyện về Việt Nam để kể sẽ còn rất nhiều, tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, tôi đang nghĩ tới những con người Việt Nam đầy nhiệt huyết về đất nước của họ, hơn bất kỳ một quốc gia nào mà tôi đã từng sống và với sự cam kết không chỉ của từng cá nhân mà của cả tập thể, họ phấn đấu giúp cho tương lai của đất nước sẽ phải tốt hơn quá khứ đã qua, cho các thế hệ con cháu của họ.
Phó chủ tịch nước đã từng học tại Hội đồng Anh
Khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent đã được mời tới Phủ Chủ tịch và gặp gỡ với Phó Chủ tịch nước lúc bấy giờ, bà Nguyễn Thị Doan. Tôi ở trong đoàn tháp tùng đại sứ cùng với các đồng nghiệp cấp cao khác của Đại sứ quán và đã có vinh dự được Phó Chủ tịch nói chuyện với từng người. Tôi đứng ở vị trí cuối cùng của hàng. Khi tới lượt tôi được giới thiệu, Phó Chủ tịch bỗng bật nói tiếng Anh một cách đầy hào hứng và trôi chảy chỉ bởi vì tôi là Giám đốc của Hội đồng Anh. Khỏi phải nói là các quan chức và ngay cả các phiên dịch đã ngạc nhiên tới mức nào và ngay lúc đó Phó Chủ tịch, bỏ qua mọi nghi thức đã giải thích rằng bà đã từng học tiếng Anh tại Hội đồng Anh vào những năm 1990 và sau đó có ý trách tôi vì đã không mời bà tới thăm cơ sở mới của mình bởi bà là một cựu học sinh luôn tự hào vì đã từng học tại Hội đồng Anh. Chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin và kiến tạo cơ hội thông qua tiếng Anh như vậy đó.
Làm những điều mới mẻ
Tôi luôn có cảm giác Việt Nam là quốc gia mà bạn được khuyến khích để làm những điều mới mẻ và lần đầu tiên – Chúng tôi hợp tác với các trường học để mở những trung tâm giảng dạy tiếng Anh tại trường; tài trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam tham gia vào cuộc đấu giá nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam; lần đầu giới thiệu mô hình doanh nghiệp xã hội trong nền kinh tế và thay đổi các điều luật liên quan tiếp sau đó; tiếp tục xâu chuỗi là việc thành lập trường Đại học Việt–Anh tại Đà Nẵng. Và ở ngay tại chính văn phòng của mình, chúng tôi cũng đã lần đầu tiên có một quy chế thực tập sinh dành cho người khuyết tật, cùng hợp tác với một tổ chức người khuyết tật của địa phương. Tôi tự hào rằng những sáng kiến và ý tưởng của mình đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình của tất cả các đồng nghiệp, tuy nhiên, có một điều tôi vẫn không dám chắc là tất cả họ đều nghĩ rằng những ý tưởng này sẽ có thể trở thành hiện thực cho tới khi tôi công bố rằng vị trí trợ lý Giám đốc đã được trao cho bạn thực tập sinh đầu tiên, Giang Đỗ. Chúng tôi đã tạo sự khác biệt và thay đổi cuộc sống của mọi người. Một vài (có người nay đã là nhân viên chính thức) thực tập sinh cho tới giờ vẫn còn viết thư cho tôi vào mỗi dịp sinh nhật của tôi hay mỗi dịp Tết đến. Điều này chắc chắn đã tạo nên sự khác biệt lớn trong cuộc đời của tôi.
“Con gái út của tôi có cùng ngày sinh với Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều đó làm tôi không gì có thể tự hào hơn.”