STEM

Chương trình Giáo dục STEM hỗ trợ cơ hội trao đổi kiến thức và hợp tác giữa Vương quốc Anh và quốc gia đối tác về các phương pháp giáo dục STEM, từ đó tăng cường năng lực trong lĩnh vực giáo dục, một lĩnh vực trọng yếu cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Chương trình sẽ:

Hỗ trợ đối thoại và trao đổi kiến thức giữa Vương quốc Anh và quốc gia đối tác về các phương pháp giáo dục STEM nhằm cải tiến giáo trình STEM cho cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

  • Hỗ trợ phát triển các phương pháp sư phạm và nguồn học liệu mới và cải tiến, phù hợp với bối cảnh của quốc gia đối tác và nhu cầu phát triển, từ đó tăng cường năng lực dạy các môn học về STEM.
  • Hỗ trợ các trung tâm giáo dục STEM toàn diện tại quốc gia đối tác thông qua hợp tác với các chuyên gia của Vương quốc Anh.
  • Trang bị cho học sinh hiểu biết và nhận thức rõ hơn về giáo dục STEM trong bối cảnh quốc tế.

HOẠT ĐỘNG VÀ CƠ HỘI

Các hoạt động trong Chương trình Giáo dục STEM sẽ được tổ chức theo từng quốc gia. Ví dụ về các loại hoạt động bao gồm xây dựng giáo trình và tư vấn về giáo trình STEM, hợp tác để phát triển nguồn học liệu STEM và thí điểm các phương pháp mới cho việc học STEM chính thức và không chính thức.

Các chuyên gia về giáo dục STEM của Vương quốc Anh sẽ tham gia phát triển/triển khai các hoạt động. Tất cả cơ hội sẽ được đăng tải trên trang này, và trang cơ hội Khoa học và Nghiên cứu của Hội đồng Anh.

 SỰ KIỆN GIÁO DỤC STEM

Tại Việt Nam, Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai Dự án thí điểm "Áp dụng phương pháp Giáo dục STEM của Vương quốc Anh vào bối cảnh Việt Nam" trong năm học 2016 - 2017. Mục tiêu chính của dự án (nhưng không giới hạn), như sau: 

  • Nâng cao năng lực cho giáo viên, lãnh đạo trường phổ thông về áp dụng phương pháp giáo dục STEM trong công tác giảng dạy của trường nhằm nâng cao năng lực học tập và thực hành của học sinh;
  • Phát triển giáo trình, đổi mới sách giáo khoa và các phương pháp dạy học theo định hướng STEM, xây dựng tài liệu giáo dục STEM;
  • Các hoạt động bổ trợ tiếp cận phương pháp giáo dục STEM (câu lạc bộ khoa học, cuộc thi khoa học, đại sứ STEM, nguồn học liệu STEM, trại hè STEM, khuyến khích sự tham gia của các thành phần, tổ chức xã hội vào hoạt động STEM).

Dự án có sự tham gia của 15 trường trung học cơ sở và phổ thông công lập và tư thục tại năm tỉnh miền Bắc bao gồm:

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng
PT Liên cấp Hòa Bình Latrobe THCS Chu Văn An
PT Liên cấp Olympia THCS Trần Phú
PT Liên cấp Vinschool Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương
THCS & THPT Tạ Quang Bửu THPT Hưng Đạo
THCS Lê Lợi, Hà Đông THPT Nam Sách II
THCS Nguyễn Trãi, Hà Đông THPT Thanh Hà
THPT Chúc Động Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định
THPT Khoa học Giáo dục THPT Chuyên Lê Hồng Phong
  Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh
  THPT Hòn Gai

Dự án đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo ra tầm ảnh hưởng lớn được nhận thấy qua những hoạt động và cải tiến phương pháp giáo dục tại các trường tham gia dự án thí điểm. Đọc thêm chi tiết về các giai đoạn của dự án dưới đây.

Giai đoạn một: Thảo luận bàn tròn về Giáo dục STEM (Tháng Một năm 2016) và khảo sát đánh giá hiện trạng giảng dạy khoa học

Từ ngày 22 đến 24 tháng Một năm 2016, Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Giáo dục STEM đầu tiên với ba phiên thảo luận về giáo dục STEM:

  • Phiên thảo luận về giáo dục STEM cho các nhà hoạch định chính sách
  • Thảo luận bàn tròn về Vai trò của các tổ chức, cá nhân trong giáo dục STEM
  • Đào tạo về giáo dục STEM cho giáo viên

Diễn giả tại hội thảo là Ông Mark Windale đến từ Trung tâm Giáo dục Khoa học, Đại học Sheffield Halam, Vương quốc Anh đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giáo dục STEM tại Vương quốc Anh và khu vực Đông Nam Á.

Hội thảo đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan bao gồm các cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học từ các trường đại học, doanh nghiệp và đặc biệt là gần 100 giáo viên khoa học từ 20 trường các tỉnh miền Bắc.

Xem chương trình với các bài trình bày tại hội thảo tại đây.

Sau khi nhận được phản hồi tích cực của buổi thảo luận, từ ngày 14 đến ngày 21 tháng Năm năm 2016, Hội đồng Anh tiếp tục triển khai chuyến khảo sát đánh giá hiện trạng giảng dạy khoa học và các hoạt động phụ trợ ở trường phổ thông và trường đại học thuộc khu vực phía Bắc. Chuyến công tác do hai chuyên gia của Vương quốc Anh là Ông Alan West và Richard Palfrey thực hiện với các hoạt động thăm cơ sở vật chất của trường về việc dạy khoa học (phòng thí nghiệm, tài liệu, vật liệu…), dự giờ học khoa học, phỏng vấn học sinh và một số giáo viên khoa học và làm việc với giáo viên được để cử là điều phối viên chương trình STEM tại trường. Sau chuyến khảo sát, các chuyên gia đã có bức tranh toàn cảnh và tiềm năng về giáo dục STEM tại Việt Nam.

Giai đoạn hai: Đào tạo và tập huấn chuyên sâu cho Giáo viên bộ môn và Lãnh đạo ngành (Tháng Tám năm 2016)

Tiếp nối chuỗi hoạt động về đánh giá bối cảnh giáo dục STEM tại Việt Nam vào tháng Năm năm 2016, Hội đồng Anh tiếp tục triển khai giai đoạn hai của Dự án với  hoạt động đào tạo chuyên sâu nhằm xây dựng tầm nhìn của lãnh đạo và giáo viên các trường học về phương pháp giáo dục theo định hướng STEM, để từ đó, lập kế hoạch thực tiễn đưa phương pháp này vào áp dụng tại các trường phổ thông. 

Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khóa tập huấn kéo dài từ ngày 02 đến ngày 06 tháng Tám năm 2016 với sự tham dự của 54 Giáo viên bộ môn (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ) được chọn lọc từ 15 trường thí điểm trên cả nước và 22 lãnh đạo đại diện từ năm sở Giáo dục và Đào tạo tham gia dự án thí điểm. Người hướng dẫn của khóa tập huấn là Tiến sỹ Mark Hardman, hiện đang phụ trách các chương trình đào tạo giáo viên tại hai trường đại học King's College London và Canterbury Christ Church, Vương quốc Anh. 

Sau khóa tập huấn, Bà Lê Thị Phương Dung, Phó Hiệu trường trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định chia sẻ: “Với vị trí lãnh đạo, tôi thấy rằng có một số giáo viên trước nay vẫn ngại đổi mới, nghĩ rằng áp dụng phương pháp mới sẽ rất khó khăn. Thế nhưng sau khi được học thì tôi thấy thấm thía một điều rằng, từ những quan sát thực tiễn thì chúng ta chỉ cần học cách tận dụng những tài nguyên tối thiểu xung quanh để có thể làm ra hiệu quả tối đa.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Giáo viên dạy Toán trường THPT Nam Sách II, tỉnh Hải Dương tâm sự về phương pháp giáo dục STEM ở Hải Dương từ trước đến giờ vẫn còn là điều rất mới. “Sau những ngày học tập và được đào tạo, tôi cảm thấy giáo dục STEM khác xa và có tính ưu việt hơn rất nhiều so với phương pháp giáo dục truyền thống. Cụ thể là các phần học liên môn giúp cho học sinh chủ động hơn cũng như thoải mái hơn trong việc học tập.

Sau khóa tập huấn, đa phần các giáo viên tham dự cảm thấy có ích lợi từ việc áp dụng mô hình STEM trong nhà trường. Cụ thể, theo báo cáo khảo sát trước và sau đào tạo, gần 90% phản hồi sau khóa tập huấn có sự thay đổi tích cực từ “Đồng ý” sang “Hoàn toàn đồng ý”/”Rất bổ ích” hoặc từ “Không chắc chắn” sang “Đồng ý”.

Tham khảo thêm tài liệu tập huấn tại đây.

Giai đoạn ba: Hoạt động Tham quan và học tập mô hình STEM tại Vương quốc Anh (Tháng 10 năm 2016)

Sau khóa đào tạo chuyên sâu từ tháng Tám, giai đoạn ba của Chương trình Giáo dục STEM đã được tiếp tục hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra với hoạt động “Tham quan và học tập mô hình STEM tại Vương quốc Anh”. Đây không chỉ là chuyến đi thực tế để trải nghiệm mô hình giáo dục STEM tại một đất nước có bề dày truyền thống giáo dục mà còn là cơ hội để được truyền cảm hứng với một phương pháp giáo dục hiện đại, linh hoạt, thích hợp cho việc đào tạo những chủ nhân tương lai của thế kỉ mới – thế kỉ của khoa học công nghệ. Dẫn đầu đoàn công tác là PGS.TS. Nguyễn Trọng Hoàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với 24 cán bộ lãnh đạo đến từ năm Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường tham gia dự án thí điểm, các tổ chức tự thục hoạt động trong lĩnh vực giáo dục STEM và đại diện của Kênh giáo dục VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam.

Tôi yêu thích công việc truyền cảm hứng cho học sinh và giúp các em xây dựng tương lai của mình. Đó thực sự là phần thưởng lớn cho bản thân khi thấy các em lúc đầu không thích các môn kỹ thuật thì nay đã chọn kỹ thuật là chuyên ngành đại học của mình.” – Cô Yolanda Bollen, một trong hai chuyên gia tập huấn cho đoàn đại biểu Việt Nam tại chương trình tham quan lần này chia sẻ.

Chương trình được diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 14 tháng Mười năm 2016. Đoàn đại biểu đã tới thăm quan và làm việc tại sáu trường phổ thông và đại học tiêu biểu của Vương quốc Anh trong công tác triển khai Giáo dục STEM. Tại Vương quốc Anh, giáo dục STEM đã trở thành chương trình giáo dục quốc gia và được các đơn vị tuyển dụng hưởng ứng và sẵn sàng đón nhận những nguồn lực mới có kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu trong thời đại công nghệ 4.0.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông tâm sự sau chuyến đi: “Tôi đã được thăm trường, dự các tiết học và được các bạn giáo viên và học sinh, chia sẻ về ứng dụng STEM trong dạy và học. Tôi cũng thấy các em học sinh rất say mê học về việc nhuộm màu cho vải từ những thực phẩm hàng ngày. Trong giờ học Công nghệ thông tin (ICT), học sinh được làm bài tập thiết kế thời trang bằng những kiến thức đã học để thể hiện nhìn nhận và trách nhiệm của mình về thế giới xung quanh."

Bà Lê Minh Nguyệt, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Đông nhận ra “STEM là chương trình ý nghĩa với mục tiêu thiết thực và có tầm nhìn cho tương lai của thế giới này.

Xem thêm Chương trình chuyến công tác có link các bài trình bày tại đây.

Giai đoạn bốn: Chuyến Rà soát và Đánh giá tại các trường tham gia dự án thí điểm (Tháng Hai năm 2017)

Chuyến Rà soát và Đánh giá Giữa kỳ được thực hiện vào tháng Hai năm 2017, do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, dưới sự dẫn dắt của Ngài Alan West, Giám đốc công ty Exscitec và TS. Graeme Atherton, Trưởng bộ phận AccessHE London, Vương quốc Anh. Hoạt động chính trong Chuyến Rà soát và Đánh giá là dự giờ các tiết học, trao đổi chuyên sâu với lãnh đạo trường và thực hiện khảo sát bằng bảng hỏi đối với giáo viên và học sinh tham gia dự án.

Ông Alan West chia sẻ điều khiến ông cảm thấy tâm đắc và ấn tượng nhất trong chuyến đi là sự nhiệt tình tham gia dự án của các lãnh đạo nhà trường và các thầy cô giáo. Do đó, ông cũng dành thêm thời gian cho một số buổi đào tạo và tập huấn bổ trợ nằm ngoài chương trình dự kiến

Ngoài các tiết học tại trường, các em học sinh còn được trải nghiệm thực tế trong những chuyến đi tham quan ngoài phạm vi lớp học. Qua đó, đã có một vài dự án do chính học sinh xây dựng và triển khai như “Mê cung hóa học” hay “Sản xuất nước rửa chén bát từ rác thải thực vật”. Hơn 80% kết quả khảo sát từ phía học sinh cho thấy, việc học theo định hướng STEM giúp cho các em hiểu và vận dụng kiến thức, kỹ năng khoa học tốt hơn. 48% học sinh trong số đó muốn học tập và làm việc trong lĩnh vực STEM.

Đọc thêm bài viết về Chuyến Rà soát và Đánh giá Giữa kỳ tại đây và một số hình ảnh của chuyến đi tại đây.

Nhân chuyến công tác của ông Alan West, Hội đồng Anh cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dành thêm cơ hội tập huấn mở rộng, giới thiệu về phương pháp tiếp cận theo định hướng STEM của Vương quốc Anh cho một số trường THCS và THPT tại địa bàn Hà Nội. 

Ngày 16 tháng Hai năm 2017, buổi tập huấn diễn ra dưới sự hướng dẫn của Ông Alan West, chuyên gia STEM đến từ công ty Exscitec, Vương quốc Anh, với cách tổ chức gần gũi và thân thiện như một lớp học thực thụ khi 50 giáo viên và lãnh đạo trường được chia nhóm để làm việc. Những hoạt động làm thí nghiệm thực tế cũng được triển khai ngay trong buổi tập huấn.

Bên cạnh đó, Ông Alan West cũng đưa ra những khái niệm đơn giản nhất về STEM cũng như giải thích việc sử dụng bối cảnh địa phương để những vấn đề STEM trở nên xác thực. Khoá tập huấn có sự tham dự của ông Danny Whitehead, Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam và ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội. 

Buổi tập huấn được tổ chức thành từng nhóm nhỏ hết sức bất ngờ và hữu ích. Điều mà mình ấn tượng nhất là đã không đưa ra một định nghĩa về STEM từ đầu mà chỉ đặt các câu hỏi để gợi ý, kích thích sự suy nghĩ, không phê phán đúng sai, đó là điều mà mình sẽ học hỏi để áp dụng.” – Chị Lại Hoàng Yến, Giáo viên dạy Hóa trường PTLC Olympia chia sẻ.

Với buổi tập huấn lần này, đào tạo STEM một lần nữa được nhấn mạnh vai trò và vị trí của nó trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng. STEM có ý nghĩa chủ lực trong việc đào tạo thế hệ tương lai có tay nghề khoa học kỹ thuật cao, làm chủ cuộc sống hiện đại.

Hội thảo tổng kết dự án với chủ đề: "Giáo dục STEM trong trường phổ thông Việt Nam" (Tháng Năm năm 2017)

Kết thúc một năm đầu tiên thực hiện thí điểm dự án, Hội thảo Giáo dục STEM trong trường phổ thông Việt Nam đã được tổ chức với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học và các trường phổ thông. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã chủ trì hội thảo và dành nhiều thời gian cho phiên thảo luận mở để các đại biểu và chuyên gia Vương quốc Anh trao đổi về những thử thách và những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo áp dụng thành công phương pháp giáo dục theo định hướng STEM tại Việt Nam trong năm học mới 2017-2018.

Hãy luôn nhìn ra bên ngoài cửa sổ - Ý tôi là chúng ta có thể đọc báo, nghe tin tức để nhận biết những vấn đề thực tế chúng ta đang phải đối mặt. Những vấn đề đó có thể là gợi ý hữu ích cho các thầy cô trong việc xây dựng đề tài giáo dục theo định hướng STEM dành cho học sinh.”, ông Alan West, Giám đốc điều hành công ty Exscitec chia sẻ.

Bản báo cáo tổng kết về dự án thí điểm “Áp dụng phương pháp giáo dục STEM của Vương quốc Anh vào bối cảnh Việt Nam 2016-2017” đã được hoàn thiện và đệ trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bên liên quan để tham khảo và sử dụng.

Xem thêm hình ảnh của Hội thảo tại đây.