©

British Council

Sự hợp tác giữa bà Bùi Thị Minh Nga - Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội và Hội đồng Anh là một câu chuyện đậm đà và bền chặt qua hơn một thập kỷ, từ khi bà Nga là giáo viên tiếng Anh ở một trường phổ thông tại Hà Nội cho đến khi bà ở vị trí quản lý hiện tại. Thành quả gần đây nhất giữa hai bên là Biên bản ghi nhớ hợp tác về Giáo dục giữa Sở GDĐT với Hội đồng Anh được ký kết vào tháng 8 năm 2018.

Bà Bùi Thị Minh Nga lần đầu “hội ngộ” với Hội đồng Anh vào năm 2006 khi trường trung học phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm nơi bà làm việc đón nhận hơn 100 cuốn sách từ Hội đồng Anh gửi tặng. Vào thời điểm đó bà Minh Nga là tổ trưởng chuyên môn tổ ngoại ngữ, thấy rằng đó là cơ hội rất mới để tiếp xúc với tiếng Anh bản ngữ. Những cuốn sách được tặng, rất bổ ích và hiếm có vào thời điểm đó, chẳng hạn như từ điển Oxford, sách văn học cho học sinh, sách hướng dẫn giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên…được đưa ngay vào thư viện nhà trường. Bà đã “bén duyên” với Hội đồng Anh từ đó.

Năm 2007, trên cương vị Phó Hiệu trưởng, bà đã thúc đẩy sự cộng tác chặt chẽ giữa nhà trường với Hội đồng Anh trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tiếng Anh mới. Bà Minh Nga giải thích: “Trước kia giáo viên tiếng Anh dạy học sinh chỉ đơn thuần là dạy nghĩa của từ, chẳng hạn như từ tiếng Anh này có nghĩa tiếng Việt là gì, và học sinh tiếp cận theo kiểu dịch nghĩa, thứ hai là chú trọng ngữ pháp, kết quả là học sinh rất giỏi ngữ pháp, nhưng khả năng nghe nói rất hạn chế”. Với phương pháp mới được trang bị từ Hội đồng Anh, việc đầu tiên bà Minh Nga làm là quy định tất cả các buổi dạy tiếng Anh trong trường, giáo viên phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc tiếp theo là thay đổi phương pháp dạy ngữ pháp truyền thống sang phương pháp dạy giao tiếp. Nhờ đó trường Trần Phú – Hoàn Kiếm trở thành trường đi đầu với những buổi dạy mẫu theo phương pháp mới rất hiệu quả. Nhiều học sinh ban D của trường khi học lên đại học không chỉ thể hiện xuất sắc về tiếng Anh giao tiếp mà còn dẫn đầu lớp về phương pháp học tập chủ động, sáng tạo và hiệu quả. 

Năm 2013, mối quan hệ tốt đẹp với Hội đồng Anh tiếp tục khi bà trở thành Trưởng Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trong ba năm 2013–2015, hai bên tổ chức các hội thảo về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho các trường THCS và THPT toàn thành phố theo Đề án 2020 (Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GDĐT). Mục tiêu của các hội thảo nhằm thay đổi tính thiếu sáng tạo, tâm lý lệ thuộc “chủ trương kế hoạch” của các trường công lập, dẫn đến nguy cơ bị tụt hậu. Sau các hội thảo, bà Minh Nga nhận thấy các thầy cô đã có sự thay đổi, chủ động và sáng tạo hơn. Sự hợp tác tốt đẹp này sẽ còn tiếp diễn. Bà Minh Nga khẳng định: Trong thời gian tới, theo Đề án 2020 điều chỉnh bổ sung đến năm 2025, Sở sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Hội đồng Anh để tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa. 

Bà Minh Nga cũng đánh giá cao những chương trình như Kids Read (Trẻ em vui đọc) do Hội đồng Anh thực hiện với sự tài trợ của ngân hàng HSBC tại sáu trường tiểu học ở Hà Nội. Dự án tổ chức tập huấn giáo viên về kỹ năng kể chuyện và lồng ghép các câu chuyện vào bài giảng trên lớp. Với mục đích nâng cao nhận thức của trẻ em và phụ huynh về tầm quan trọng của việc đọc sách trong phát triển trí tuệ, nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếng Anh và hình thành nhân cách của trẻ, đồng thời cung cấp cho phụ huynh những kiến thức và kỹ năng bổ ích nhằm hỗ trợ và khích lệ con em mình đọc sách tại nhà, dự án đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho các bên tham gia.

Với những thành công khác, như Hội thảo về Kỹ năng phát triển học sinh thế kỷ 21 theo mô hình của Hội đồng Anh giúp phát triển kỹ năng sáng tạo và trí tưởng tượng cũng như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề cho học sinh. Bà Bùi Thị Minh Nga bình luận “Đối với giáo viên vốn chỉ quen với cách giảng một chiều, có thể khó để thoát khỏi cung cách dạy quen thuộc của họ. Dự án này đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng sáng tạo, trao quyền cho học sinh để các em tự dẫn dắt hoạt động học của mình. Giáo viên và học sinh làm việc cùng nhau trong một tiết học thay vì giáo viên chỉ luôn chăm chăm chỉ đạo hoạt động. Sự thay đổi trong vị trí và vai trò của người học (và giáo viên) không chỉ quan trọng đối với việc kích thích sáng tạo mà còn phát triển nhiều kỹ năng cốt lõi khác mà Hội đồng Anh đang thúc đẩy. 

Qua nhiều hợp tác tốt đẹp, Biên bản ghi nhớ hợp tác về Giáo dục giữa Sở GDĐT Hà Nội và Hội đồng Anh ký vào ngày 15 tháng 8 năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập Hội đồng Anh và 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam–Vương quốc Anh đã tạo ra một khung hợp tác cho toàn bộ các hoạt động và lĩnh vực mà hai bên đã, đang và sẽ thực hiện. Khi được hỏi bà có thể mô tả như thế nào về Hội đồng Anh, bà Bùi Thị Minh Nga trả lời ngay: “Chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, đáng tin cậy”. Bà Minh Nga khẳng định bà còn có rất nhiều ý tưởng hợp tác với Hội đồng Anh trong tương lai.

 “Chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, đáng tin cậy”