©

British Council

Thật khó mà tách bạch giữa đất nước Anh với Hội đồng Anh trong câu chuyện này, bởi sự gắn bó sâu nặng của ông Trần Bá Việt Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Thường vụ Hội Hữu nghị Việt - Anh với xứ sở sương mù đậm sắc mầu của tình yêu: yêu văn hóa, con người, kiến thức, những hoạt động hợp tác giáo dục… Tình yêu ấy chớm nở từ những kỷ niệm đầu tiên thời trai trẻ du học cho đến khi đảm nhiệm công tác quản lý ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cho đến tận bây giờ, khi đã về hưu. Cả gia đình (ông, vợ và hai con trai) đều học tập ở nước Anh. Việt Anh là tên con trai thứ hai của ông. 

Bắt đầu một tình yêu 

Năm 1978, ông Trần Bá Việt Dũng, một giảng viên tiếng Anh trẻ của Đại học Ngoại thương giành được học bổng của chính phủ Anh để đi học nâng cao sau đại học về giảng dạy tiếng Anh tại trường Ealing College of Higher Education, London. Khóa học diễn ra ở Scotland và sau đó là London. Điều đặc biệt của khóa học là ông Dũng và bạn được ở cùng một gia đình người Anh, được nói tiếng Anh “chính hiệu”, ăn những bữa tối do chủ nhà nấu, được chơi cùng hai cô con gái nhỏ của họ. Năm 1992, ông Dũng có dịp quay lại Anh theo một chương trình học bổng sau đại học về Kinh tế Phát triển (học bổng của tập đoàn dầu khí BP - British Petroleum và chính phủ Anh) tại Đại học Tổng hợp Manchester. Ông và người bạn cùng đi Anh trước kia đã quyết tâm tìm lại gia đình đã đón nhận mình. Sau nhiều cố gắng tưởng như đã thất bại, ông Dũng và bạn đã tìm được nơi ở mới của gia đình. Hai người đi từ Manchester tới gần London để thăm lại gia đình người Anh đã chuyển về Warwick, dành trọn một ngày để hàn huyên. Mười lăm năm đã trôi qua, các cô con gái của gia đình đã lớn lên thành thiếu nữ, còn nhớ mang máng trước kia thường chơi với những người bạn Việt Nam, giang tay làm động tác bay lượn và reo lên: “Hãy cho cháu bay tới Việt Nam, để được thăm bố mẹ của chú!” Kỷ niệm của hai chuyến đi học đã trở thành một tình yêu dành cho một đất nước và tất cả những gì thuộc về đất nước ấy.

Kiến thức, cơ hội và hợp tác 

Bên cạnh việc được tiếp xúc với con người và văn hóa nước Anh, trong chuyến du học đầu tiên, ông Dũng được tiếp xúc với những giảng viên nổi tiếng thế giới về ngôn ngữ, được hoàn thiện phương pháp dạy các kỹ năng nghe nói đọc viết, học tập nhóm v.v. Cùng với ông Dũng, những cán bộ trẻ đi du học vào những năm đó đã đem lại cho Việt Nam một sức bật về việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường như Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, … “Bây giờ nhiều bạn và học trò của mình rất thành công”, ông Dũng tự hào chia sẻ.

Ở chuyến du học sau, khóa học về Kinh tế phát triển đã giúp ông Dũng bổ sung kiến thức tiếng Anh chuyên ngành ngoại thương, xuất nhập khẩu, hải quan, tài chính, ngân hàng …, giúp ông xây dựng các bài giảng sinh động và thu hút. Ông Dũng cho biết thêm: “Những người đi học năm đó đều rất thành công trong công việc và cuộc sống, nắm giữ các vị trí quan trọng ở Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các trường đại học và lãnh đạo các bộ ngành”. 

Năm 2001, ông Trần Bá Việt Dũng được bổ nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Tôi phụ trách mảng đối ngoại hợp tác quốc tế, hợp tác với Anh rất nhiều”. 

Trong vị trí công tác này, ông Dũng đã làm việc chặt chẽ với Hội đồng Anh với tư cách là đầu mối hợp tác của Vương quốc Anh trong lĩnh vực giáo dục. Hai bên đã và đang triển khai thành công Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giáo dục, một trong những lĩnh vực chủ chốt của mối quan hệ chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. 

Mối quan hệ của ông Dũng với Hội đồng Anh ngày càng trở nên sâu sắc hơn khi Hội đồng Anh tăng cường và mở rộng các lĩnh vực hợp tác giáo dục ở các cấp độ từ bộ, đến sở, các trường học, giáo viên và học sinh thông qua sự hợp tác chặt chẽ với vụ HTQT cũng như các vụ chuyên môn của Bộ.

Một trong những hoạt động của Hội đồng Anh mà ông tham gia và đánh giá cao là các Hội nghị Giáo dục toàn cầu Going Global* được tổ chức hàng năm, nơi tập trung những người quan tâm đến giáo dục. “Tôi còn nhớ lần hội nghị tổ chức ở Florida vào năm 2014 với chủ đề sáng tạo, ảnh hưởng và cơ hội cho tất cả mọi người, có quy mô rất lớn, tập hợp nhiều nhà giáo dục toàn cầu, chia sẻ với nhau các thông tin về xu hướng và các vấn đề của giáo dục thế giới. Đây là hoạt động rất bổ ích để học hỏi các kinh nghiệm quốc tế và áp dụng cho Việt Nam”, ông Dũng kể. 

Ông Trần Bá Việt Dũng cũng tâm huyết với sự ra đời của Trường Đại học Việt–Anh từ việc ông chuẩn bị cho chuyến thăm Vương quốc Anh của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân năm 2010 trong đó hai bên đã ký Tuyên bố chung về việc thành lập trường Đại học công lập đẳng cấp quốc tế Việt–Anh. 

Bên cạnh vai trò Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Dũng còn là Ủy viên thường vụ Hội Hữu nghị Việt–Anh Trung ương và Hà Nội trong ba nhiệm kì. Với ông đây là nơi “toàn bạn bè thân thiết, bao nhiêu là chuyện kể”. 

Trên tất cả, ông Trần Bá Việt Dũng coi mình là thầy giáo ngôn ngữ, và sự gắn bó với nước Anh đã mở ra cho ông cả một nền văn hóa, con người, những cơ hội hợp tác giáo dục hai nước mà ông và cả gia đình ông yêu quý và trân trọng. “Nước Anh là quê hương thứ hai của tôi”, ông Dũng nói.

* Từ năm 2004, Hội nghị Giáo dục toàn cầu Going Global do Hội đồng Anh tổ chức là diễn đàn mở hàng năm lớn nhất thế giới dành cho các nhà lãnh đạo giáo dục tranh luận về các cơ hội và thử thách toàn cầu của giáo dục đại học và sau phổ thông và để tìm hiểu những giải pháp hợp tác.

“Nước Anh là quê hương thứ hai của tôi.”