©

British Council

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục kiểm định Chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ câu chuyện hợp tác có ý nghĩa tích cực đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần thay đổi để đáp ứng những đòi hỏi hội nhập quốc tế.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (cung cấp khoảng 75 phần trăm nguồn nhân lực của Việt Nam) đang gánh trách nhiệm lớn lao khi số lượng sinh viên có bằng đại học ra trường thất nghiệp cao, thị trường lao động quốc tế hóa đòi hỏi hệ thống đào tạo phải đáp ứng nguồn nhân lực đủ trình độ và kỹ năng làm việc theo chuẩn quốc tế. Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục kiểm định Chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp (Cục KĐCLGDNN) cho rằng giáo dục nghề nghiệp phải chuẩn hóa theo quốc tế, phải đảm bảo chất lượng. “Tuy nhiên những thay đổi vẫn chưa kịp với yêu cầu thay đổi của kinh tế và môi trường quốc tế”, ông Bình nói. Chính bởi vậy, việc nghiên cứu, học hỏi từ hệ thống đảm bảo chất lượng của quốc tế là rất cần thiết.

Trên nền tảng đó, ông Phạm Vũ Quốc Bình nói rằng ông bắt đầu tham gia các chuỗi hoạt động liên quan đến giáo dục nghề nghiệp thuộc dự án hợp tác với Hội đồng Anh từ năm 2014. 

Một trong các dự án có ý nghĩa là sự đồng hành của Hội đồng Anh trong việc xây dựng và thực hiện Khung Trình độ Quốc gia (TĐQG). Khung TĐQG giúp nhà tuyển dụng, sinh viên và nhà giáo dục có chung hiểu biết và nhìn nhận đối với giá trị của bằng cấp qua khả năng chuyên môn đạt được. Khung TĐQG còn là cơ sở tham chiếu với các nước, giúp cho bằng cấp của Việt Nam có khả năng được công nhận hoặc quy đổi với trình độ quốc tế. Hội đồng Anh đã phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, mời chuyên gia từ Vương quốc Anh chia sẻ chuyên môn, góp ý từ khâu soạn dự thảo cho đến khi Khung TĐQG được chính phủ phê duyệt (năm 2016) và đến nay là hỗ trợ thực hiện Khung TĐQG. Lợi ích đối với Việt Nam là được học hỏi từ việc chia sẻ những bài học và cách thức thực hiện tốt nhất của quốc tế, giúp chuẩn hóa trình độ và tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực. 

Đặc biệt đối với Cục KĐCLGDNN, một dự án hợp tác tích cực mà ông Bình nêu cụ thể là dự án Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng ở một số trường cao đẳng nghề được đầu tư trở thành trường cao đẳng chất lượng cao. Hai mươi mốt trường ở Việt Nam hợp tác với các trường của Vương quốc Anh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua áp dụng mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của Vương quốc Anh. Ông Bình nói trước kia, việc quản lý chất lượng các trường có thực hiện nhưng chưa hiệu quả, vì chủ yếu làm theo quy định nhà nước và do đó đôi khi bị rời rạc, cục bộ, tính hệ thống, tính khoa học trong quản lý và tính bền vững không cao. Từ khi có sự tham gia của chuyên gia từ Vương quốc Anh, các trường tham gia dự án có sự biến chuyển tích cực. Các trường đã đi vào nề nếp từ khâu nhận thức “lấy học sinh làm trung tâm”, đến khâu dạy học, đến tạo hứng thú cho người học, thậm chí cho đến cả môi trường cảnh quan của trường. Tuy dự án đã kết thúc, tác động tích cực của dự án vẫn còn được duy trì thông qua các hoạt động kết nối, xây dựng mạng lưới, chia sẻ kinh nghiệm thành công trong hệ thống các trường giáo dục nghề nghiệp. Số lượng đối tượng thụ hưởng từ 21 trường tham gia dự án hợp tác lên đến 1,379 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình tiếp tục nêu “dự án hai” tuy nhỏ nhưng “vô cùng giá trị”, được triển khai tháng 3 năm 2018, cũng là sự nối tiếp thành công của dự án trên, đó là phối hợp với Hội đồng Anh sử dụng bộ tiêu chuẩn của Vương quốc Anh thí điểm đánh giá chất lượng đào tạo ở 02 trường nghề ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chuyên gia nước ngoài đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của các trường giáo dục nghề nghiệp tại VN. Ông Bình nhận định việc đánh giá rất “xác đáng”, giúp các trường khắc phục các hạn chế và cải tiến nâng cao chất lượng. Kết quả đánh giá và khuyến nghị từ đánh giá là vô cùng quan trọng đối với các trường nghề ở Việt Nam trong quá trình hướng đến đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả dự án, Hội đồng Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ và sắp tới sẽ có bốn trường dạy nghề công nghiệp trong lĩnh vực ô tô tiếp tục được đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng của Vương quốc Anh trong năm 2018. 

Cách làm việc của Hội đồng Anh được ông Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá cao: “Hội đồng Anh rất tin tưởng vào đối tác, thực hiện các nội dung rất rõ ràng, tạo sự chủ động tối đa cho đối tác. Các dự án được triển khai rất nhịp nhàng. Cán bộ Hội đồng Anh chuyên nghiệp và cởi mở, các chuyên gia Anh sẵn sàng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm phù hợp”. 

Cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hợp tác chặt chẽ của Hội đồng Anh: “Chúng tôi sẵn sàng cùng cộng tác, cùng nghiên cứu học hỏi và cùng dùng cơ chế kinh phí khác nhau”. Ước mơ của ông Bình là làm sao để tất cả các trường ở Việt Nam có hệ thống đào tạo, quản lý chất lượng bài bản, bởi vì “đó là vấn đề sát sườn, trọng tâm, phải làm, là đường đi của quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, và thực hiện thành công chủ trương đẩy mạnh tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các trường”.

“Hội đồng Anh rất chuyên nghiệp, hiểu các vấn đề của Việt Nam và có tiếng nói chung về hợp tác.”