Cả một sự nghiệp dấn thân vì khoa học, theo đúng nghĩa đen của từ này, Giáo sư Ngô Giang Liên vẫn nguyên những cảm xúc như nhiều năm trước, khi kể lại công trình khoa học tâm đắc của mình về... nuôi muỗi, cũng như sự hợp tác của các nhà khoa học Anh trong cuộc chiến chống sốt rét ở Việt Nam.
Khi nhắc tới nghiên cứu đột phá về sốt rét và bệnh do muỗi truyền của Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Giang Liên – nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tế bào, khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia, đến giờ các đồng nghiệp của bà vẫn còn khâm phục. Năm 1994, đề tài khoa học của bà được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng ý cấp kinh phí, bà cùng đồng nghiệp lên đường vào Khánh Phú, Khánh Hòa, nơi rừng thiêng nước độc làm “nhà” cho muỗi dưới các gốc cây, tán lá, say sưa bắt muỗi, nuôi muỗi, ban đêm đoán giờ muỗi tìm mồi rồi tự giơ thân mình ra cho muỗi đốt, để bắt ngay thủ phạm đó, nuôi bọ gậy nhằm nghiên cứu bộ nhiễm sắc thể của chúng. Chuyến đi dự định chỉ một tuần nhưng rồi kéo dài tới ba tháng, họ chỉ về Hà Nội vài ba ngày trước Tết.
“Đó là thời kỳ tôi thấy vô cùng hạnh phúc” - bà Liên nói. “Việt Nam lúc đó còn nghèo, nếu không làm phương pháp nghiên cứu nhiễm sắc thể thì việc phòng chống sốt rét sẽ giậm chân tại chỗ”. Sau ba tháng ở rừng, dự án WHO thành công, nhưng về Hà Nội hầu như cả nhóm đều mắc sốt rét. Những cơn đau đầu như búa bổ, những trận sốt nóng sốt lạnh liên miên đã lấy đi của cô giảng viên Ngô Giang Liên làn môi hồng, làn da trắng ngày đó.
Kinh ngạc với sự dấn thân của cô – một chuyến đi đối mặt với cả tử thần bởi không ít loài muỗi mang ký sinh trùng ác tính, nhưng không đồng tinh với sự rủi ro mà cô đương đầu, các chuyên gia Anh từ WHO đề xuất cô sang Anh học hỏi phương pháp nghiên cứu mới. Chính Hội đồng Anh đã làm việc hết sức để cô có chỗ thực tập rất tốt với các giáo sư nổi tiếng thế giới về bệnh sốt rét ở trường Đại học Y học Nhiệt đới Liverpool, Đại học London và các trường đại học khác của Anh. Lần đầu tiên một người Việt từ trong nước được tiếp cận kỹ thuật sinh học phân tử, một phương pháp hiện đại, để xác định vector truyền bệnh sốt rét và sau này còn ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác. Về nước, cô Liên mạnh dạn mở các khóa đào tạo kỹ thuật mới cho các nhà nghiên cứu trong cả nước và từ nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia,... có tiếng vang rất lớn.
“Tôi gắn bó với Hội đồng Anh như mái nhà khoa học thứ hai của tôi. Hội đồng Anh đã tiếp sức để tôi được tiếp cận với nền khoa học hiện đại, các kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia đầu ngành” - Giáo sư Ngô Giang Liên nói. Sau những khóa học ở Anh về, bà Liên gắn bó với Hội đồng Anh suốt hơn mười năm, vô cùng khăng khít, nhất là giai đoạn 2000–2011. Hội đồng Anh đã hợp tác với bà Liên để đưa các chuyên gia lừng lẫy của Anh sang Việt Nam triển khai kỹ thuật, giảng dạy lý thuyết để áp dụng kỹ thuật đó. “Một sự hợp tác vô giá, các nhà khoa học Anh cực kỳ say mê, tận tình, trách nhiệm”, bà nói. Chính những hợp tác khăng khít đó đã góp phần đẩy lùi bệnh sốt rét. Nếu năm 1994 hơn 4.000 người trên cả nước chết vì sốt rét thì giờ đây Việt Nam có thể chủ động kiểm soát, không để xảy ra dịch. Bệnh sốt xuất huyết cũng giảm đáng kể.
Giáo sư Ngô Giang Liên nhận xét, đến giờ ảnh hưởng của Hội đồng Anh là rất lớn, là một trong những cơ quan rất có uy tín. Bà còn mong muốn Hội đồng Anh tiếp tục đồng hành với các nhà khoa học Việt Nam, kết nối giới khoa học Việt Nam với các nhà khoa học Anh như chính những trải nghiệm rất thành công mà bà đã có.
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân tình tới Hội đồng Anh, các nhà khoa học Anh đã đồng hành với cuộc chiến chống sốt rét ở Việt Nam và thế giới. Không có sự giúp đỡ của họ thì cuộc chiến chống sốt rét ở Việt Nam
không biết kéo dài đến bao giờ.”