Thí sinh Trần Đăng Nguyên thuyết trình trong vòng Sơ khảo cuộc thi FameLab 2017 tại khu vực miền Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ với chủ đề “The story of an extraordinarycompound (Câu chuyện về một hợp chất phi thường)”.  ©

Ảnh: VNU, Ho Chi Minh City.

Trong hai tuần đầu tháng Tư năm 2017, vòng Sơ khảo cuộc thi Truyền thông khoa học FameLab tại năm khu vực trên cả nước đã được tổ chức với rất nhiều phần trình bày bất ngờ và hấp dẫn. 

PGS.TS. Trần Văn Hiếu, một thành viên trong Ban giám khảo vòng Sơ khảo khu vực miền Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ chia sẻ về vai trò của truyền thông khoa học trong đời sống hiện đại “Trong xã hội, đặc biệt là xã hội Việt Nam mọi người thường không rõ và không hiểu các nhà khoa học làm gì trong phòng thí nghiệm và có đóng góp gì cho xã hội. Do vậy, những cuộc thi như FameLab là một cơ hội rất lớn để các nhà khoa học và công chúng hiểu nhau hơn.”

Đặc biệt, mỗi thí sinh không chỉ đem đến một chủ đề khoa học mà đằng sau đó là những đam mê, những nghiên cứu tâm huyết bấy lâu nay được bày tỏ tại FameLab Việt Nam 2017.

Cả ba thí sinh xuất sắc nhất của khu vực miền Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đều có những phần thuyết trình đầy tự tin bằng tiếng Anh. Thí sinh Mỹ Hiền – người đạt giải Nhất của khu vực đã dành ba phút thuyết trình cho chủ đề về châm cứu, ấp ủ đam mê lan tỏa rộng hơn về y học cổ truyền Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Là một thạc sĩ chuyên ngành y học cổ truyền, Mỹ Hiền có nhiều đam mê với ngành học này và cũng từng tham dự một hội thảo khoa học giữa các nước ASEAN để tập huấn về y học cổ truyền.

Nếu như Mỹ Hiền chọn chủ đề về y học cổ truyền thì Nguyễn Vương Hoàng Long – thí sinh đạt giải Ba lại có lối đi riêng khi trình bày một nghiên cứu tâm huyết về “thuốc Kháng sinh, một con dao hai lưỡi”. Long bày tỏ, thông qua cuộc thi, Long muốn cho mọi người thấy những mặt lợi và hại của kháng sinh luôn song hành, mà nguyên nhân chính là bắt nguồn từ ý thức sử dụng kháng sinh của mỗi chúng ta. Hoàng Long chia sẻ sau khi nhận được giải khu vực “Mình rất vui khi được vinh dự là một trong top 15 tham dự vòng chung kết Quốc gia. Mình sẽ cố gắng hết mình tại FameLab năm nay.”

Tại khu vực Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tiến sỹ Đinh Minh Quang tốt nghiệp Đại học Flinders, Nam Úc, hiện là giảng viên Đại học Cần Thơ đã chuyển thể các nghiên cứu hàn lâm về phân loại cá, đa dạng và bảo tồn cá cũng như là hệ sinh thái cửa sông thành một bài thuyết trình hấp dẫn trong ba phút. Anh Quang chia sẻ: “Khi lựa chọn đề tài nghiên cứu sinh, mình đã lựa chọn khu vực của Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam vì muốn góp một phần công sức của mình để thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương”. 

Những chủ đề khá thú vị và bám sát hơi thở của cuộc sống như biến đổi khí hậu, khoa học của sự ghen tuông, vai trò của cam kết trong việc giải quyết xung đột lợi ích… đã lần lượt được các thí sinh tự tin “nói ra” tại Đà Nẵng, Thái Nguyên và Hà Nội. Những hình ảnh tại các vòng thi và bài thuyết trình của các thí sinh được đăng tại http://bit.ly/2oww82X

Cuộc thi FameLab Việt Nam sẽ tiếp tục với vòng Tập huấn với chuyên gia truyền thông khoa học đến từ Vương quốc Anh và chuyên gia của Hội đồng Anh dành cho Top 15 tham dự vòng Chung kết Quốc gia trong thời gian từ 15 đến 18 tháng Tư năm 2017 tại Hà Nội. 

Tiếp tục theo dõi thông tin về Đêm Chung kết Quốc gia #FameLab sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng Tư tại Hà Nội tại kênh facebook của FameLab Việt NamHội đồng Anh Việt Nam.