Sau hai năm được tổ chức trực tuyến, Hội thảo quốc tế VietTESOL 2022 cuối cùng đã được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 700 chuyên gia, giảng viên và giáo viên quy tụ tại Đại học Nha Trang lần đầu tiên kể từ năm 2019. Hội đồng Anh tại Việt Nam tự hào có sự hiện diện mạnh mẽ với các bài thuyết trình trực tuyến cùng các dự án nổi bật trong quá khứ và hiện tại được trình bày tại Hội thảo quốc tế VIC 2022.
Hội thảo quốc tế VietTESOL là hội nghị giảng dạy tiếng Anh thường niên lớn nhất tại Việt Nam do Phân hội giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh VietTESOL, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NFLP) và trường Đại học Nha Trang năm nay đăng cai tổ chức tại thành phố Nha Trang, với sự hỗ trợ và tài trợ của nhiều tổ chức giảng dạy tiếng Anh trong đó có Hội đồng Anh.
Sự kiện năm nay được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 9 với chủ đề Dạy tiếng Anh thời đại kỹ thuật số: Phương pháp và Đổi mới (Digital ELT: Approaches and Innovations) với sự góp mặt của 400 người thuyết trình (bao gồm cả diễn giả chính của phiên toàn thể và các diễn giả chuyên đề) từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Ngày 1 – Phiên hội thảo trực tuyến trước hội nghị
Vào ngày 16 tháng 9, hai bài thuyết trình chuyên đề đã được trình bày nhằm giới thiệu về một nghiên cứu gần đây của Hội đồng Anh và các sáng kiến cải tiến tăng cường khả năng tiếp cận cho các giáo viên trong giảng dạy tiếng Anh.
Tại phiên chuyên đề đầu tiên, Tiến sỹ Subhan Zein đã tham gia trực tuyến từ Australia và trình bày nghiên cứu do Hội đồng Anh tài trợ về Xu hướng sử dụng tiếng Anh như một môn học trong giáo dục phổ thông (ESBE): Nghiên cứu và các đề xuất chính sách tại Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu so sánh và Hồ sơ các nước (bao gồm cả Việt Nam) đều được tải miễn phí trên website của Hội đồng Anh TeachingEnglish.
Xem lại bài trình bày trên kênh YouTube.
Tiếp theo, Davide Guarini Gilmartin, quản lý học thuật, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã trình bày về các dự án thí điểm nằm trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới Học tập Kỹ thuật số - những bài học kinh nghiệm (tháng 5 năm 2021 – tháng 3 năm 2022) và mời ba nhóm dự án giới thiệu mục tiêu, kết quả đầu ra của từng dự án.
Xem lại bài trình bày của Davide Guarini Gilmartin tại đây.
Ngày 2 – Các bài trình bày trực tiếp tại Hội nghị VietTESOL 2022
Vào ngày 17 tháng 9, các đối tác của Hội đồng Anh đại diện cho ba dự án Quỹ Đổi mới Học tập Kỹ thuật số và năm dự án Nhóm Hoạt động Giáo viên (TAG) được Hội đồng Anh tài trợ, đã có bài thuyết trình trực tiếp. Dưới đây là một số chia sẻ của đại diện các nhóm dự án về trải nghiệm và ấn tượng của họ về hội nghị quốc tế VietTESOL 2022.
Tôi thực sự hào hứng tham dự Hội nghị quốc tế VietTESOL để chia sẻ về dự án bồi dưỡng giáo viên mà chúng tôi đã thực hiện với sự tài trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Hội nghị quốc tế VietTESOL là một sự kiện uy tín trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, vì vậy phiên trình bày của tôi đã giúp lan tỏa ý nghĩa của dự án đến nhiều giáo viên hơn. Tôi rất vui vì các giáo viên tham dự phiên trình bày của tôi đến từ các cấp học khác nhau bao gồm giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Điều này chứng tỏ mô hình phát triển giáo viên của chúng tôi có thể nhân rộng và lan tỏa trong thời gian tới.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhật, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 – tìm hiểu thêm các thông tin về Dự án trên kênh YouTube.
Bài trình bày của tôi về Dự án Rạp hát số Anh ngữ đã thu hút khoảng 30 người tham gia, hầu hết là giáo viên trung học cơ sở tại Việt Nam. Tất cả đều thể hiện sự quan tâm và mong muốn thử nghiệm kỹ thuật đóng kịch kỹ thuật số trong lớp học của mình. Tôi rất vui khi được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ dự án này cho các giáo viên đồng nghiệp.
Tiến sỹ Phương Hoàng Yến, Đại học Cần Thơ – Tìm hiểu thêm các thông tin về Dự án Rạp hát số Anh ngữ.
Hội thảo quốc tế VietTESOL 2022 đã làm phong phú thêm kiến thức và củng cố niềm đam mê của tôi đối với giáo dục Anh ngữ. Tôi đặc biệt bị thu hút bởi các buổi học về việc sử dụng các công nghệ tiên tiến trong việc dạy và học tiếng Anh.Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong giảng dạy tiếng Anh vì nó thực sự góp phần vào việc tăng cường khả năng tiếp cận và công bằng trong giáo dục Anh ngữ. Bài thuyết trình của chúng tôi có tiêu đề “Cộng đồng thực hành Vương quốc Anh–Việt Nam nhằm phát triển năng lực giảng dạy trực tuyến trong đại dịch COVID” rất phù hợp với chủ đề của hội nghị là “Các phương pháp tiếp cận và đổi mới”. Chúng tôi đã chứng minh rằng cách tiếp cận trao đổi trực tuyến hướng tới việc phát triển chuyên môn thường xuyên là cách tiếp cận sáng tạo, tạo động lực, hiệu quả về mặt chi phí, và có thể nhân rộng!
Tiến sỹ Bùi Thị Ngọc Thủy, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) – Tìm hiểu thêm các thông tin về Dự án ViVEXELT tại đây.
Tại Hội thảo quốc tế VietTESOL 2022, chúng tôi có cơ hội chia sẻ những tiến trình của dự án Nhóm Hoạt động Giáo viên – VietABLL (Việt Nam: Học ngôn ngữ dựa trên nghệ thuật) do Hội đồng Anh tài trợ. Dự án hội tụ chuyên môn của các giáo viên đến từ các trường tiểu học, trung học và các nghệ sĩ địa phương để phát triển các chiến lược và hoạt động mới nhằm tạo động lực học tập và phát triển khả năng ngôn ngữ của học sinh. Những người tham gia phiên trình bày của chúng tôi tỏ ra rất hứng thú với cách tiếp cận này và chia sẻ rằng họ đã đến phiên trình bày của chúng tôi trước hết là vì sự quan tâm và kết thúc bằng việc 'học được những điều mới mẻ'.
Tiến sỹ Lavinia Hirsu, Trường Đại học Glasgow – Tìm hiểu thêm thông tin về Dự án nhóm hoạt động giáo viên được phụ trách bởi Lavinia và Nguyễn Ngọc Ánh tại đây.