Giảng dạy ngôn ngữ là một hoạt động đa chiều và cần có kỹ năng cao, và giáo viên ngôn ngữ là những người năng động và phức hợp. Tuy nhiên, người ta thường chú ý nhiều đến khía cạnh sư phạm của công việc (đang làm), bỏ qua khía cạnh cảm xúc (cảm giác) và cá nhân/con người (thực thể hiện hữu) mà phần lớn chưa được kiểm chứng. Các giáo viên ngôn ngữ thường phải đối diện với câu hỏi “Bạn dạy như thế nào?” Và ít được hỏi “Bạn cảm thấy thế nào?”, Hoặc “Bạn là kiểu giáo viên tiếng Anh như thế nào?”. Trong dự án Nhóm Hoạt động Giáo viên (TAG) do Hội đồng Anh tài trợ, được Đại học Manchester Metropolitan (MMU) phối hợp với Đại học Ngoại ngữ Huế (HUFL) thực hiện, chúng tôi cân nhắc việc tìm hiểu về người giáo viên với các khía cạnh chính trong công việc của họ, bao gồm kiểu giáo viên tiếng Anh mà họ đang và muốn trở thành, tìm hiểu việc thực hành giảng dạy, và cảm nhận của họ về công việc. Đây vừa là điểm khởi đầu quan trọng cũng vừa là kết quả cuối cùng của đầu ra. 

Trong cuộc họp TAG đầu tiên của chúng tôi, các giáo viên tiếng Anh đến từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được yêu cầu viết một bản giới thiệu bản thân mô tả họ với tư cách là giáo viên tiếng Anh, bao gồm tính cách của họ, những thách thức phải đối mặt khi dạy tiếng Anh và cảm nhận về công việc giảng dạy của họ. Một trong những phát hiện chính là mặc dù giảng dạy học sinh ở các cấp học khác nhau (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) trong các hoàn cảnh khác nhau (thành thị, nông thôn và miền núi), các giáo viên của chúng tôi đã chia sẻ một số đặc điểm tính cách giống nhau, những thách thức trong lớp học cũng như những cảm nhận về việc trở thành một giáo viên tiếng Anh. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày tóm tắt về phần tự giới thiệu của giáo viên qua đó thảo luận về cách những phát hiện này sẽ đem đến những hiểu biết cho chúng tôi và tác động đến định hướng của dự án TAGs.

Câu hỏi 1: “Liệt kê ba tính từ mô tả tính cách của bản thân với tư cách là một giáo viên tiếng Anh?”

Câu hỏi đầu tiên mà các giáo viên của chúng tôi được yêu cầu trả lời liên quan đến khái niệm giảng dạy là bản thể và bản sắc của giáo viên. Các giáo viên phải liệt kê ba tính từ mô tả chính xác nhất tính cách của họ, và những tính từ này sau đó sẽ được dùng để so sánh họ với một giáo viên tiếng Anh ‘lý tưởng’. Giáo viên sẽ có cơ hội để tự suy ngẫm về những đặc điểm mà họ thể hiện trong quá trình giảng dạy và so sánh với hình ảnh một giáo viên lý tưởng. Đây là điểm hữu ích để giúp họ hiểu rõ hơn về bản thân với tư cách là giáo viên và xác định được các lĩnh vực cần phát triển.

Các kết quả đã được thể hiện trực quan thông qua “đám mây từ vựng” với các từ phổ biến nhất được phóng to và đặt ở trung tâm. Các tính từ phổ biến nhất được sử dụng đều có ý nghĩa tích cực gắn liền với chính ý nghĩa của tính từ đó, chẳng hạn như nhiệt tình, tận tâm, chăm chỉ và thân thiện. Những câu trả lời này nêu bật một số phẩm chất của một giáo viên tiếng Anh giỏi mà giáo viên của chúng tôi có và đang thể hiện sự tận tâm của mình đối với học sinh cũng như niềm đam mê giảng dạy tiếng Anh.

Câu hỏi 2: “Những thách thức nào trong việc giảng dạy tiếng Anh mà tôi gặp phải?”

Câu hỏi thứ hai liên quan nhiều hơn đến khái niệm giảng dạy là công việc, đặc biệt là các vấn đề sư phạm mà giáo viên của chúng tôi phải đối diện. Các giáo viên phải liệt kê những thách thức trong việc dạy tiếng Anh. Mười thách thức được xác định là những nhân tố phổ biến nhất mà giáo viên phải đối mặt. Những thách thức đó có thể được coi là những yếu tố trực tiếp có thể cản trở kết quả dạy và học tích cực mong muốn của giáo viên. Những thách thức này được phân loại thành ba nhóm: nhóm liên quan đến học sinh; nhóm liên quan đến giáo viên và nhóm liên quan đến điều kiện giảng dạy.

Nhóm những thách thức liên quan đến học sinh

Việc dạy và học tiếng Anh một cách hiệu quả phần lớn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến học sinh như là: động cơ học tập, hành vi trong lớp học, tính cách học sinh, khả năng học tập và hoàn cảnh gia đình. Sự thiếu động lực trong học tập của học sinh được coi là một trở ngại trong giảng dạy, 24,1% giáo viên đã thừa nhận điều này, đây là tỷ lệ phần trăm cao thứ hai trong số tất cả những thách thức. Một giáo viên chia sẻ: “Hầu hết học sinh của tôi không thích học tiếng Anh và nghĩ rằng tiếng Anh rất khó”. Bên cạnh đó, 21,5% giáo viên nhận thấy việc xử lý những hành vi nghịch ngợm và tính cách khác biệt của học sinh là một thách thức lớn, chẳng hạn như nhút nhát, lười biếng, không tự tin. 15,2% giáo viên đã lựa chọn đây là một trong nhưng thách thức khi nói đến khả năng học tập của học sinh, một giáo viên đã viết, “nhiều học sinh của tôi học kém ngôn ngữ [tiếng Anh]”. Cuối cùng, tỷ lệ giáo viên nhận thức được hoàn cảnh khó khăn của học sinh là 8,9%. Có giáo viên đã chia sẻ, “học sinh của tôi hầu hết xuất thân từ các gia đình nghèo, các em phải phụ giúp bố mẹ kiếm sống, vì vậy các em không có thời gian để học tập”. Một giáo viên khác cũng đề cập đến việc “thiếu sự quan tâm của phụ huynh” là một thách thức đối với việc học tiếng Anh của học sinh.

Nhóm những thách thức liên quan đến giáo viên

Bên cạnh những thách thức liên quan đến học sinh, các vấn đề liên quan đến giáo viên cũng được xác định, chẳng hạn như khối lượng công việc, phương pháp giảng dạy, kiến thức và kỹ năng tiếng Anh của giáo viên. Những điều này đều có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của giáo viên. 17,7% giáo viên cảm thấy căng thẳng vì khối lượng công việc lớn và “các công việc giấy tờ cũng kéo dài thời gian làm việc”, cũng như “áp lực về việc học sinh của mình phải đạt kết quả tốt”. Ngoài ra, một số giáo viên bày tỏ quan ngại về phương pháp giảng dạy cũng như kiến thức và kỹ năng tiếng Anh của chính họ. Một giáo viên đã viết, "Tôi nói tiếng Anh không giỏi và cách giảng dạy của tôi không thú vị lắm."

Nhóm những thách thức liên quan đến bối cảnh

Các vấn đề liên quan đến hoàn cảnh giảng dạy bao gồm quản lý lớp học, thiếu phương tiện học tập và giảng dạy, giáo trình và bối cảnh học tiếng Anh. Thách thức phổ biến nhất mà giáo viên phải đối mặt (40,5%) là khó khăn trong việc giám sát lớp học do sĩ số lớp lớn và sự chênh lệch trình độ học sinh. Ngoài ra, 21,5% giáo viên phải lo lắng về chương trình và bối cảnh học tập môn tiếng Anh tại các trường phổ thông ở Huế. Cụ thể, trong khi một số giáo viên gặp khó khăn vì thời lượng hạn chế cho một môn học tự chọn như tiếng Anh, thì những người khác lại cho rằng học sinh của họ ít có cơ hội thực hành giao tiếp tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Một số ít giáo viên (19%) cũng lo ngại về việc thiếu kinh phí và cơ sở vật chất cho các hoạt động dạy và học tiếng Anh.

Khi trình bày và chia sẻ những thách thức này, rõ ràng là có một số khó khăn chung mà giáo viên tiếng Anh trong các hoàn cảnh khác nhau phải đối mặt. Điều quan trọng là phải hiểu bản chất của những thách thức này và tìm cách khắc phục. Bằng việc cộng tác với các đồng nghiệp, nghĩ về những kinh nghiệm trước đây, học hỏi các ý tưởng và kỹ thuật mới, đồng thời lập kế hoạch hành động để triển khai các kiến thức và kỹ năng đã học, giáo viên có thể chuẩn bị tốt hơn để vượt qua những thách thức phía trước.

Câu hỏi 3: “Cảm xúc của bản thân tôi về việc trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh là gì?”

Câu hỏi thứ ba là về khám phá cảm xúc của giáo viên đối với công việc giảng dạy tiếng Anh của họ, có liên quan đến khái niệm giảng dạy là cảm nhận. Việc giảng dạy ngôn ngữ, giống như nhiều loại hình thực hành quan trọng khác, cũng là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Do đó, giáo viên tiếng Anh rất có thể trải qua nhiều loại cảm xúc khác nhau trong suốt cuộc đời giảng dạy của mình.

Khi được yêu cầu xác định cảm xúc của mình về việc trở thành giáo viên tiếng Anh, các giáo viên trong nhóm TAG của chúng tôi đã sử dụng các tính từ mô tả tích cực và tiêu cực (vui lòng xem đám mây từ vựng 2). Với vô số thách thức mà họ gặp phải trong quá trình giảng dạy, không có gì ngạc nhiên khi giáo viên có thể cảm thấy buồn, căng thẳng, thất vọng hoặc lo lắng. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là những cảm xúc tích cực vẫn phổ biến nhất. Mặc dù việc giảng dạy tiếng Anh có thể là một thách thức, nhưng nhiều người cảm thấy hạnh phúc và tự hào về việc mình là một giáo viên tiếng Anh.

Với tư cách là người điều hành dự án, dựa trên những hiểu biết ban đầu này về các giáo viên trong các nhóm TAG, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy ý thức học hỏi, chia sẻ và cộng tác mạnh mẽ trong không gian các nhóm TAG. Mục tiêu cuối cùng là để các giáo viên tham gia hiểu rõ hơn về bản thân với tư cách là giáo viên tiếng Anh, được trao quyền để giải quyết các thách thức trong thực hành giảng dạy và có thể thể hiện và kiểm soát cảm xúc một cách tích cực trong quá trình giảng dạy.

Tác giả Sương Hoàng, Oliver Sowden, và Mai Nguyễn, cùng với sự đóng góp của Richard Silburn, Huy Nguyễn, Phụng Đào, Anthony Picot, Caroline Collier, Marijana Macis, Phương Trần, Châu Nguyễn, và Quang Nguyễn.

 

Đám mây từ vựng 1: Các tính từ mà Giáo viên giảng dạy tiếng Anh trong dự án TAGs tại Huế sử dụng để mô tả bản thân
Đám mây từ vựng 2: Cảm nhận khi là giáo viên tiếng Anh