Việt Nam tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Xã hội thế giới
Việt Nam tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Xã hội thế giới

Thay đổi xã hội thông qua doanh nghiệp xã hội là chủ đề Diễn đàn Doanh nghiệp Xã hội (DNXH) thế giới năm 2014 tổ chức tại Seoul – Hàn Quốc. Diễn đàn là một sự kiện quốc tế, tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà chính trị và cộng đồng cùng đối thoại hướng tới hình thành và phát triển DNXH.

Với mục tiêu tìm hiểu sự phát triển DNXH trên thế giới, kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật về DNXH, Hội đồng Anh phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức một Đoàn đại biểu tham dự Diễn đàn trong thời gian từ 14 đến 16 tháng 10 năm 2014. Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 15 thành viên là đại diện của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đài phát thanh – truyền hình Hà Nội và Đài truyền hình Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, Đoàn đã có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung và hậu cần cho sự kiện này.

Diễn đàn DNXH thế giới năm nay có chủ đề “Thay đổi xã hội thông qua doanh nghiệp xã hội”, với mục tiêu khẳng định vai trò của DNXH đối với phát triển bền vững và thúc đẩy phát triển DNXH, đặc biệt là ở châu Á. Diễn đàn được cấu trúc theo ba nội dung chính: Sáng tạo xã hội; Phát triển xã hội toàn diện; và Đầu tư xã hội. Phần thảo luận đặc biệt về pháp luật và chính sách hỗ trợ DNXH đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Trong đó, đáng chú ý là các đạo luật về DNXH của Chính phủ Hàn Quốc. Đoàn Việt Nam đã tham dự đầy đủ, tích cực và thảo luận sôi nổi trong mọi hoạt động thuộc khuôn khổ Diễn đàn, cụ thể là: tham quan thực tế tại DNXH, tham dự các phiên thảo luận tại Diễn đàn và các hoạt động kết nối đối tác.

Qua ba ngày tham dự Diễn đàn, các thành viên trong Đoàn hiểu rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của DNXH trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ thực tiễn phát triển DNXH và kinh nghiệm của các quốc gia về xây dựng chính sách đối với DNXH, các thành viên trong Đoàn đều đồng thuận về sự cần thiết phải thiết lập khung pháp lý nhằm tôn vinh và khuyến khích phát triển DNXH ở Việt Nam. Với những thông tin và kiến thức thu thập được từ Diễn đàn DNXH thế giới 2014, các thành viên trong Đoàn, trong phạm vi nhiệm vụ được giao, cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc luật hóa các vấn đề về DNXH và tích cực tham gia các hoạt động truyền thông về DNXH.

Chia sẻ của đại biểu Nguyễn Viết Thịnh, Hàm Vụ phó, Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

Tôi đánh giá cao khâu tổ chức của Hội đồng Anh cũng như của ban tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp xã hội thế giới 2014. Các nội dung tại Diễn đàn đều có giá trị khi áp dụng mới ở Việt Nam, đồng thời cải thiện các mô hình hiện có. Để phát triển tốt mô hình này nhất thiết phải có sự tham gia, hỗ trợ của Chính phủ. Việc đưa các quy định doanh nghiệp xã hội vào trong luật là cần thiết nhằm đảm bảo khung pháp lý để thực thi hiệu quả, đúng mục đích.

Chia sẻ của đại biểu Dương Thùy Dung, Chuyên viên Vụ Kinh tế, Đại diện Vụ Kinh tế, Ủy ban Kinh tế, Văn phòng Quốc hội

Ghi nhận từ thực tiễn các nước trong khu vực và trên thế giới có nhiều doanh nghiệp dành toàn bộ hoạt động nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu vì xã hội đó mà không chia cho các thành viên, cổ đông như doanh nghiệp thông thường, thường gọi là doanh nghiệp xã hội (DNXH). Nhiều chuyên gia nhận định DNXH là lực lượng tiên phong trong việc tạo ra những giá trị xã hội mới ở các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển. Các DNXH được đánh giá là một hình thức tổ chức hoạt động kinh tế có khả năng  đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế cân bằng, do vậy là một giải pháp sáng tạo cho việc xây dựng một nền kinh tế vì con người, góp phần cùng với Nhà nước trong giải quyết vấn đề các xã hội.

Ở nước ta trong vài năm gần đây, DNXH cũng đã xuất hiện với số lượng ngày một tăng và đang phát triển nhanh chóng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các DNXH, dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung điều mới quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của DNXH. 

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Anh tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sáng kiến rất hữu ích khi thành lập Đoàn đại biểu tham dự Diễn đàn DNXH thế giới lần thứ 7. Các thông tin thu thập được từ Diễn đàn về thực tế hoạt động và sự đóng góp của DNXH đối với nền kinh tế thông qua quá trình lắng nghe kinh nghiệm, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với nhiều DNXH, doanh nhân hoạt động vì xã hội, chuyên gia và đại diện của nhiều tổ chức kinh tế xã hội trên khắp thế giới là tư liệu tốt để tham khảo cho xem xét, thông qua dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) tại Nghị trường Quốc hội cũng như trong quá trình xây dựng chính sách thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và DNXH nói riêng ở Việt Nam.

Chia sẻ của đại biểu Đinh Thị Bích Xuân, Phó trưởng phòng, Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam

Có thể nói Diễn đàn Doanh nghiệp Xã hội Thế giới 2014 tại Seoul là một trong số các sự kiện quốc tế lớn nhất mà tôi có điều kiện tham dự. Diễn đàn đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng không chỉ là sự mến khách của nước chủ nhà mà còn là cầu nối giúp các đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn về Doanh nghiệp Xã hội. Những nỗ lực mà Doanh nghiệp Xã hội đóng góp cho cộng đồng là hết sức to lớn và được xã hội thừa nhận. VCCI với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng các doanh nghiệp xã hội của Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế, thiếu một cơ chế pháp lý và tổ chức đứng gia kết nối các doanh nghiệp xã hội. Do đó, VCCI mong muốn Hội đồng Anh tiếp tục hợp tác với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI để xây dựng một chương trình hành đồng chung nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan về Doanh nghiệp Xã hội thông qua việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn và tôn vinh các doanh nghiệp xã hội có những đóng góp cho cộng đồng.

Chia sẻ của đại biểu Nguyễn Duy Linh, Chuyên viên Vụ Pháp luật, Đại diện Vụ Pháp luật , Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội

Diễn đàn Doanh nghiệp xã hội thế giới - SEWF 2014 là một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, cá nhân tôi cảm thấy rất may mắn và vinh dự khi đã có cơ hội được tham dự sự kiện bổ ích này, đặc biệt là ở khía cạnh chuyên môn công tác. Là một cán bộ có nhiệm vụ trực tiếp tham mưu cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó có dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), tôi nhận thấy việc luật hóa một số nội dung về doanh nghiệp xã hội vào trong dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) là một vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận và đưa ra khá nhiều ý kiến. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định về doanh nghiệp xã hội vì cho rằng đây là sự thừa nhận sự tồn tại thực tế của doanh nghiệp xã hội ở nước ta, các doanh nghiệp này đã hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề với số lượng ngày một tăng và đang tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến của đại biểu Quốc hội chưa hoàn toàn nhất trí với việc quy định về doanh nghiệp xã hội vào Luật doanh nghiệp vì đây không phải là một loại hình doanh nghiệp mới, hơn nữa sẽ tạo ra sự không bình đẳng với một số loại hình doanh nghiệp khác (ví dụ như doanh nghiệp khoa học công nghệ - đã được quy định tại Nghị định 80/2007/NĐ-CP v.v...). Sau khi tham dự và được tiếp thu những thông tin, kinh nghiệm từ các diễn giả tại Diễn đàn doanh nghiệp xã hội thế giới, cá nhân tôi nhận thấy rằng việc luật hóa một số nội dung về doanh nghiệp xã hội ở nước là rất cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại hình doanh nghiệp này, qua đó góp phần cùng chia sẻ gánh nặng của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và môi trường. Do đó, trong phạm vi khả năng của mình, cá nhân tôi sẽ tiếp tục ủng hộ việc luật hóa vấn đề doanh nghiệp xã hội ở một phạm vi thích hợp trong dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng như các văn bản pháp luật khác được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến Hội đồng Anh và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vì đã tổ chức chuyến đi cho Đoàn công tác một cách rất chu đáo và thành công tốt đẹp.

Chia sẻ của đại biểu Nguyễn Thiếu Hoài, Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia diễn đàn này và điều tôi thực sự ấn tượng với Diễn đàn Doanh nghiệp xã hội thế giới 2014 chính là sự tổ chức quy mô, hoành tráng. Rất nhiều mô hình doanh nghiệp xã hội trên thế giới đã được giới thiệu tại diễn đàn. Nhiều diễn giả nổi tiếng, nhiều chuyên gia đến từ nhiều quốc gia phát triển đã có những bài thuyết trình rất hay và bổ ích. 

Thông qua diễn đàn lần này, tôi cũng thấy rằng, Hàn Quốc là một quốc gia có cộng đồng doanh nghiệp xã hội vô cùng phát triển. Điều này có được là nhờ sự trợ giúp tích cực từ phía các chính sách, luật pháp của Nhà nước. Và điều ấn tượng hơn nữa, đó là đa số các mô hình doanh nghiệp xã hội Hàn Quốc hoạt động dưới mô hình hợp tác xã. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một trong những hướng đi phù hợp với doanh nghiệp xã hội Việt Nam trong thời gian tới.