Rae Seymour là người phát triển tài nguyên giáo dục tại công ty Royal Shakespeare (RSC), ông khuyến khích các giáo viên tiếng Anh sử dụng văn học và kịch Shakespeare trong quá trình giảng dạy cho các học viên nhỏ tuổi. Hãy cùng tìm hiểu các lí do tại sao nên thử áp dụng các tác phẩm của Shakespeare vào việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em trong bài viết dưới đây.
Tại sao nên dạy kịch Shakespeare cho trẻ?
Chắc hẳn, sẽ có không ít người nghi ngại khi vận dụng việc dạy văn học Shakespeare cho trẻ vì liệu Shakespeare có phù hợp với những học viên nhỏ tuổi cũng như những học sinh học tiếng Anh như một ngôn ngữ bổ sung? Liệu họ có thể hiểu được nội dung tác phẩm hay không? Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, ông Rae Seymour đã quá quen với những câu hỏi này và ông có thể hiểu được lí do vì sao.
Trong quá trình làm việc với RSC, Seymour nhận thấy các phương pháp giảng dạy mang hơi hướng kịch sân khấu có ảnh hưởng đến người học ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Việc đưa văn học Shakespeare vào giảng dạy cho trẻ nhỏ, đôi khi có thể khiến trẻ cảm thấy như học một ngôn ngữ mới, và điều đó đặt tất cả các em vào cùng một vị trí, những học sinh kém tự tin về tiếng Anh có thể nhanh chóng nắm bắt được các từ vựng. Điều tương tự này cũng xảy ra ở những học viên nhỏ tuổi - trẻ luôn cảm thấy có rất nhiều ngôn ngữ mới đối với chúng, vì chúng gặp phải những từ vựng mới mỗi ngày. Theo kinh nghiệm của Rae Seymour, người học càng nhỏ tuổi càng có xu hướng không sợ hãi khi tiếp xúc với văn học và kịch Shakespeare. Với người trẻ, nững tác phẩm của Shakespeare cũng rất hữu ích đối với họ vì nó tạo ra sự cân bằng giữa hiện thực (bắt gặp thực trạng của mình trong câu chuyện) và sự mơ mộng về cuộc sống (thoải mái nghĩ ra những viễn cảnh tiếp theo trong vở kịch như cách học viên mong muốn diễn ra trong cuộc đời họ).
Hầu hết, các giáo viên khi giới thiệu về một bài học, một ý tưởng mới như "sự công bằng" chẳng hạn, họ sẽ sử dụng tác phẩm King Lear hoặc Julius Caesar của Shakespeare và giúp học sinh xây dựng các cuộc tranh luận. Cách mà học viên phản ứng trong các cuộc tranh luận thường khác xa những gì họ thường phản ứng trong cuộc sống hàng ngày, học viên bị gò bó trong những luật lệ, nguyên tắc tranh luận trong đó có cả cảm xúc của chính học viên. Nhưng khi được tiếp xúc với kịch Shakespeare, học viên được giải thoát và bước ra khỏi thực tế, họ được tự do thể hiện cảm xúc và ý tưởng, không có sự gò bó nào diễn ra trong tiết học.
Chúng ta thường đánh giá thấp khả năng và sự sáng tạo của trẻ nhỏ và nghĩ rằng chúng không thể hiểu được các tác phẩm kịch Shakespeare, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Phương pháp học tập kết hợp với sân khấu là gì?
Khi tiếp cận kịch Shakespeare nghĩa là học viên đang gần như tiếp xúc với sân khấu trong đó người dạy và người học có thể đặt câu hỏi và làm việc cùng nhau. Thông qua các hoạt động, trẻ cũng được rèn luyện thể chất, không gian được lồng ghép trong câu chuyện sẽ khiến các em thoải mái trình bày ý tưởng, chấp nhận thử thách và được phép thất bại mà không phải nhận những hậu quả tiêu cực như những cách học khác.
Một giáo viên dạy tiếng Anh đứng đầu trường tiểu học đã sử dụng phương pháp này và làm việc với RSC trong nhiều năm, nhận ra một điều rằng: các em thực sự thích sự mơ hồ trong ngôn ngữ của kịch Shakespeare. Những tác phẩm này mang lại cho các em cảm giác rằng: các ý tưởng đều có thể trở thành hiện thực và đó có thể là những ý tưởng đúng đắn. Các trò chơi luôn là một cách tuyệt vời để bắt đầu việc học tiếng Anh hiệu quả, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào nhóm học viên cũng như tác phẩm mà học viên đang học.
Trước khi bắt đầu vào nội dung chính, giáo viên nên có vài phút khởi động cho các học sinh của mình bằng cách cho các em di chuyển. Đầu tiên, giáo viên nên yêu cầu học sinh đi bộ quanh phòng và dừng lại theo lệnh của giáo viên. Sau khi làm như thế một vài lần, hãy thử thách học sinh tiếp tục bước đi và dừng lại đồng loạt mà không có lệnh của giáo viên, và quan trọng hơn là trong sự im lặng hoàn toàn. Để làm viêc này, học sinh sẽ cần phải quan sát lẫn nhau, cho đến khi tất cả học sinh có thể đồng bộ.
Khi ý thức làm việc nhóm được nuôi dưỡng, giáo viên có thể bắt đầu tổ chức các hoạt động dễ dàng hơn, cho phép học sinh làm việc, truy cập ngôn ngữ và ý tưởng của Shakespeare, giải mã nó theo cách mà giáo viên đã mô tả trước đó. Ví dụ, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm nhỏ kết hợp với ngôn ngữ cơ thể. Học sinh nên tập trung vào các phần nhỏ của dòng chữ trong tác phẩm như: "a pair of star cross's lovers' or 'two foes'''. Cho các em nhìn vào hình ảnh miêu tả ngay từ đầu, những học viên nhỏ tuổi này sẽ ngay lập tức diễn giải trong đầu điều gì đang xảy ra để hiểu nội dung câu chuyện. Trẻ nhỏ thường rất giỏi trong việc diễn tả ý nghĩa của các từ được người lớn nói ra, mà không cần quá nhiều sự trợ giúp. Rae Seymour đã từng nghe một đứa trẻ bảy tuổi giải thích lý do tại sao con nghĩ rằng từ "capricious" (thất thường) nghe có vẻ gai góc và ông cho rằng đó là một trong những định nghĩa hay nhất ông từng nghe.
Shakespeare đã viết ra các tác phẩm cho đôi tai và đôi mắt của tất cả mọi người, vì vậy mà khả năng nắm bắt ý nghĩa của từ vựng qua âm thanh ở trẻ thường sâu sắc hơn bất kỳ hình thức phân tích từ vựng nào khác.
Điều gì xảy ra khi trẻ học theo cách này?
Phương pháp tiếp cận qua các tác phẩm Shakespeare hoàn toàn tách biệt khỏi các phương pháp giảng dạy truyền thống và rất hiệu quả với các bé học tiếng Anh. Những đứa trẻ không tiếp thu tốt việc học với sách giáo khoa thường trở nên gắn kết hơn thông qua các phương pháp tiếp cận sân khấu trong lớp học.
Luke - một đứa trẻ đến từ Blackpool, thường bị giáo viên phê bình là không học tốt và ít tham gia các hoạt động với lớp. Tuy nhiên, việc giảng dạy tại nhà hát và một chuyến đi xem một buổi biểu diễn trực tiếp đã thay đổi hoàn toàn hành vi của Luke, bé đã đạt được những thành quả tích cực hơn trong học tập. Luke có được sự tự tin khi cảm thấy những đóng góp của mình trong lớp học có giá trị, điều này giúp cải thiện khả năng đọc, viết và đánh vần của Luke.
Tổng kết
Đôi khi, giáo viên phải đối mặt với những khó khăn khi áp dụng những cách giáo dục mới như: thiếu phòng và không gian mở, thời gian chuẩn bị trước khi các hoạt động được diễn ra còn hạn chế. Tuy nhiên, khi trẻ được trải nghiệm việc học theo những cách khác nhau cho phép trẻ tự do sáng tạo ra những điều vượt ngoài sức tưởng tượng của người lớn.