Di sản Kết nối 2022 – 2025
Di sản Kết nối nằm trong khuôn khổ các chương trình Văn hóa đóng góp giải quyết thử thách toàn cầu (Culture Responds to Global Challenges) của Hội đồng Anh – tận dụng sức mạnh của văn hóa nghệ thuật để thay đổi nhận thức, góp phần thúc đẩy công bằng xã hội, cổ vũ biểu hiện văn hóa, đa dạng văn hóa, và bảo tồn di sản có nguy cơ bị mai một.
Di sản Kết nối được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2018 qua việc hỗ trợ các cộng đồng đa dạng bảo tồn và quảng bá di sản có nguy cơ bị mai một, đồng thời kiến tạo các cơ hội để cộng đồng địa phương được trực tiếp tham gia và trực tiếp hưởng lợi từ những hoạt động bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa mà họ làm chủ. Để biết thêm thông tin về
Di sản Kết nối, vui lòng ấn vào đây.
Chúng tôi hiện đang tìm kiếm đối tác đồng hành trong hoạt động Hỗ trợ kỹ thuật Quỹ Di sản Kết nối, trực tiếp hỗ trợ các cá nhân, nhóm, và cộng đồng làm việc với di sản văn hóa trong việc cải thiện chất lượng đời sống và sinh kế tại các địa phương. Hoạt động của chúng tôi tập trung hỗ trợ cho các nhóm dân tộc ít người khu vực Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai, Kon Tum) và cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ (Ninh Thuận). Tuy nhiên, chúng tôi có thể mở rộng phạm vi hoạt động với các nhóm dân tộc ít người ở các vùng khó tiếp cận khác nếu điều kiện cho phép.
Chi tiết về mong đợi từ các đối tác tiềm năng được cung cấp dưới đây.
Trân trọng mời các cơ quan, tổ chức gửi hồ sơ Bày tỏ Quan tâm theo mẫu cung cấp về địa chỉ vnarts@britishcouncil.org.vn trước 24 tháng Sáu 2022.
Thông báo Tìm kiếm Đối tác này không có nghĩa là Hội đồng Anh có trách nhiệm phải ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác với bất cứ đối tác tiềm năng nào.
Chúng tôi mong đợi gì từ đối tác?
Chúng tôi tìm kiếm đối tác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc thiết kế và triển khai các kế hoạch hoạt động nhằm bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa của họ, qua đó sử dụng di sản văn hóa để giải quyết các khó khăn tại địa phương.
Hỗ trợ kỹ thuật có thể dưới các dạng như sau:
- Đồng thiết kế và đồng quản lý chương trình Quỹ Di sản Kết nối cùng với Hội đồng Anh theo một quy trình tuyển chọn và thực thi minh bạch và đảm bảo cơ hội đồng đều. Quy trình này bao gồm lời mời nộp hồ sơ mở (cho tất cả mọi đối tượng trong khu vực địa lý trọng điểm), buổi chia sẻ thông tin cho các ứng cử viên, ban tuyển chọn hồ sơ, giải ngân quỹ, và hỗ trợ cho chủ nhiệm dự án nhận quỹ thực thi dự án. Mục đích của Quỹ Di sản Kết nối là để cộng đồng địa phương được trực tiếp tham gia và trực tiếp hưởng lợi từ những hoạt động bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa mà họ làm chủ. Các lĩnh vực được khuyến khích bao gồm du lịch bền vững, thủ công sáng tạo, giáo dục đồng đều, truyền dạy kiến thức và kỹ năng qua các thế hệ, lưu trữ, nghiên cứu và phát triển các loại hình sản phẩm dịch vụ mới dựa vào di sản, v.v.. Việc quản lý các dự án nhận quỹ tài trợ có thể bao gồm việc hỗ trợ quản lý ví dụ như giám sát tiến độ qua các cuộc họp mặt và các chuyến công tác thực địa, đánh giá kết quả và đầu ra của dự án so với đề xuất ban đầu, thu thập dữ liệu, viết báo cáo tổng kết, v.v.. cho tất cả cả các chủ nhiệm dự án nhận quỹ.
- Tập huấn và tổ chức xưởng thực hành một loạt các kỹ năng hữu ích, ví dụ như:
(i) Kỹ năng cải thiện năng lực quản lý dự án tại địa phương, bao gồm lên kế hoạch, triển khai kế hoạch, quản lý tài chính, quản lý nhân lực/đội ngũ, giám sát, đánh giá, báo cáo;
(ii) Kỹ năng đảm bảo các nguyên tắc phát triển có sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo mọi thành viên trong cộng đồng đều có cơ hội đóng góp lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch phát triển của địa phương;
(iii) Kỹ năng cải thiện các sản phẩm của địa phương có sử dụng kiến thức và kỹ năng bản địa, chủ yếu là các sản phẩm thủ công và nông nghiệp, bao gồm cả phát triển sản phẩm mới và kết nối với thị trường/khách hàng tiềm năng mới;
(iv) Kỹ năng để đẩy mạnh phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, cũng như các chu trình làm việc đảm bảo tính bền vững cho du lịch địa phương, bao gồm phát triển các kỹ năng đón tiếp khách, các mô hình lưu trú trong cộng đồng, cách thức quảng cáo và quảng bá tour du lịch, cách thức tổ chức các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm, các tour du lịch thử nghiệm, tham gia vào các diễn đàn và hội thảo về du lịch, v.v..;
(v) Kỹ năng, công cụ, và quy trình làm việc với di sản văn hóa, đảm bảo quyền làm chủ của địa phương và lợi ích cho người địa phương, đảm bảo tính chân thực của di sản văn hóa, và khuyến khích sáng tạo và việc áp dụng di sản văn hóa tiếp diễn.
- Tổ chức các hoạt động chia sẻ tri thức như bàn tròn, tọa đàm, hội thảo, v.v.. có sự tham gia của các thành viên và các nhóm cộng đồng, những người thực hành và chuyên gia về di sản, nhà nghiên cứu, khoa học, và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Do làm việc trực tiếp với các cộng đồng địa phương ở nhiều tỉnh khác nhau, chúng tôi tìm kiếm các đối tác là các tổ chức, cơ quan chuyên môn có năng lực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể tại địa phương, và các cộng đồng địa phương. Các đối tác có thể là các đơn vị nhà nước và các viện nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, di sản, và phát triển, hoặc các NGOs hay các tổ chức đoàn thể có kinh nghiệm và năng lực hoạt động trong lĩnh vực phát triển.
Chúng tôi mong rằng, những cá nhân có quan tâm tới nội dung này sẽ trao đổi với cơ quan tổ chức của mình để gửi Bày tỏ Quan tâm cho chúng tôi dưới tư cách tổ chức.
Nếu quan hệ đối tác được xác lập, chúng tôi sẽ ký thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức và tổ chức, và không phải là hợp đồng tư vấn với cá nhân.
Chúng tôi đề xuất làm việc với đối tác ra sao?
Di sản Kết nối tiên phong thử nghiệm ý tưởng sử dụng di sản văn hóa như một nguồn lực để giải quyết các khó khăn của địa phương và hướng đến phát triển đồng đều. Chúng tôi theo đuổi các nguyên tắc và cách thức làm việc như sau:
- Di sản Kết nối có tính bao trùm, chúng tôi hướng đến hỗ trợ các đối tượng không dễ tiếp cận để họ được trực tiếp tham gia vào các hoạt động liên quan tới di sản tại địa phương, và được hưởng lợi từ các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà những hoạt động đó mang lại.
- Di sản Kết nối áp dụng cách thức làm việc có sự tham gia của cộng đồng, đem đến cho các thành viên trong cộng đồng cơ hội đóng góp ý kiến, và chủ động dẫn dắt các hoạt động nhằm đạt được phát triển đồng đều tại địa phương.
- Di sản Kết nối đặc biệt chú ý đến các vấn đề liên quan tới tính bền vững, thể hiện qua cách làm việc từ cộng đồng đi lên, thay vì từ các cấp trên xuống, nhằm mục đích để các cộng đồng có thể trực tiếp thụ hưởng, khuyến khích cộng đồng làm chủ và cùng chia sẻ trách nhiệm.
- Di sản Kết nối tập trung tăng cường năng lực cho các đối tác thực thi cũng như các cộng đồng chủ thể, nhằm đạt được tác động lâu dài qua việc xây dựng kỹ năng, hướng dẫn sử dụng công cụ, chia sẻ kiến thức, và kết nối với mạng lưới các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực di sản.
- Di sản Kết nối theo đuổi cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, nghĩa là các
cá nhân và cộng đồng chủ thể có thể tự xác định nội dung di sản có nguy cơ bị mai một là gì, và tự đưa ra các phương án hành động để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của mình theo cách mà họ thấy phù hợp nhất với sự phát triển của địa phương.
Chúng tôi đề xuất cách làm việc này cùng các đối tác có cách thức làm việc tương tự
để mối quan hệ đối tác được có lợi cho cả đôi bên. Chúng tôi mong đợi cùng thiết kế và cùng quản lý chương trình với đối tác, cũng như cùng tổng kết và chia sẻ những kinh nghiệm và cách thức thực hiện tốt từ chương trình, để từ đó vận động cho cách làm việc bao trùm và sáng tạo trong công tác với di sản và để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững.
Trong quá trình hợp tác, đối tác có thể nhận ngân sách thực hiện từ phía Hội đồng Anh cho việc triển khai hoạt động. Ngân sách tối đa một đối đa một đối tác có thể nhận được trong vòng một năm không quá 30.000 bảng (tương đương khoảng 870.000.000 đồng). Ngân sách có thể được sư dụng để chi trả cho những chi phí như phí chuyên gia, phí hỗ trợ, thù lao cho nhân viên (ví dụ để đảm nhận các công tác như giảng viên, cán bộ quản lý, tham dự phát biểu trong sự kiện, hoặc hỗ trợ các công tác hành chính), chi phí đi lại công tác, và các phí hành chính khác (ví dụ: một phần tiền thuê địa điểm hoặc chi phí điện nước, thiết bị).
Chúng tôi tuân thủ theo Định mức chi phí EU-UN cho các dự án phát triển ở Việt Nam.
Chúng tôi khuyến khích các tổ chức đối tác đóng góp vào chương trình dưới hình thức phi tài chính, ví dụ như đóng góp nhân sự hay thiết bị được phân bổ dùng riêng cho hoạt động thuộc khuôn khổ hợp tác hai bên.
Chúng tôi sẽ xem xét hồ sơ ra sao?
Tiêu chí |
Đánh giá |
---|---|
Về tổ chức | |
(a) Là tổ chức có chức năng, nhiệm vụ hoạt động phù hợp | 20% |
(b) Có kinh nghiệm triển khai các chương trình, hoạt động tại các địa phương đa dạng và với các nhóm dân tộc ít người ở Việt Nam | 20% |
Về năng lực chuyên môn | |
(a) Khả năng tiếp cận các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề phát triển và các phương pháp làm việc hiệu quả với các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa | 20% |
(b) Thể hiện được rõ ràng kinh nghiệm làm việc với cộng đồng qua những chương trình/hoạt động đã thực hiện trực tiếp với cộng đồng | 20% |
Về khả năng phù hợp | |
(a) Có sự hiểu biết và tầm nhìn tương đồng với những nguyên tắc và cách thức làm việc với Di sản Kết nối (xin xem phần Chúng tôi đề xuất làm việc với đối tác ra sao) | 20% |
Các mốc thời gian
Hoạt động |
Thời gian |
---|---|
Lời mời Tìm kiếm đối tác | 24.05.2022 |
Hạn nhận câu hỏi | 12.06.2022 |
Hội đồng Anh phản hồi câu hỏi | tuần 13.06.2022 |
Hạn nộp hồ sơ Bày tỏ Quan tâm | 24.06.2022 |
Họp gặp với các đối tác tiềm năng | tuần 04.07.2022 |
Quyết định lựa chọn đối tác | 15.07.2022 |
Bắt đầu hơp đồng đối tác | 01.08.2022 |
Bạn có câu hỏi?
Vui lòng gửi câu hỏi về vnarts@britishcouncil.org.vn trước ngày 12 tháng Sáu 2022. Nếu không có khả năng trả lời riêng từng câu hỏi đơn lẻ, chúng tôi sẽ tập hợp các câu hỏi gửi về và tổ chức một buổi thông tin để giải đáp các câu hỏi trong tuần bắt đầu từ ngày 13 tháng Sáu 2022.