Bối cảnh
Di sản Kết nối là dự án nằm trong khuôn khổ các chương trình Văn hóa đóng góp giải quyết thử thách toàn cầu (Culture Responds to Global Challenges) của Hội đồng Anh – tận dụng sức mạnh của văn hóa nghệ thuật để thay đổi nhận thức, góp phần thúc đẩy công bằng xã hội, cổ vũ biểu hiện văn hóa, đa dạng văn hóa, và bảo tồn di sản có nguy cơ bị mai một.
Di sản Kết nối được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2018 qua việc hỗ trợ các cộng đồng đa dạng bảo tồn và quảng bá di sản có nguy cơ bị mai một, đồng thời kiến tạo các cơ hội để cộng đồng địa phương được trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ những hoạt động bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa của họ. Để biết thêm thông tin về dự án Di sản Kết nối, vui lòng ấn vào đây.
Chúng tôi hiện đang tìm kiếm đối tác đồng hành trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật các cá nhân, nhóm, và cộng đồng làm việc với di sản văn hóa trong việc thiết kế và triển khai các kế hoạch hoạt động nhằm bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa của họ. Dự án của chúng tôi do cộng đồng thúc đẩy và lấy con người làm trung tâm, được xây dựng và quản lý cùng với các đối tác địa phương, hướng tới hỗ trợ cộng đồng địa phương quảng bá di sản văn hóa của họ, giúp tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội.
Chi tiết về mong đợi từ các đối tác tiềm năng được cung cấp dưới đây.
Trân trọng mời các cơ quan, tổ chức gửi hồ sơ Đề xuất theo mẫu cung cấp về địa chỉ vnarts@britishcouncil.org.vn trước 26 tháng Chín 2024.
Thông báo Tìm kiếm Đối tác này không có nghĩa là Hội đồng Anh có trách nhiệm phải ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác với bất cứ đối tác tiềm năng nào.
Chúng tôi mong đợi gì từ đối tác?
Chúng tôi tìm kiếm đối tác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc thiết kế và triển khai các kế hoạch hoạt động nhằm bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa của họ, qua đó sử dụng di sản văn hóa để giải quyết các khó khăn tại địa phương.
Hỗ trợ có thể dưới các dạng như sau:
(1) Đồng thiết kế chuỗi hội thảo nhằm kết nối và tăng cường năng lực trong lĩnh vực di sản văn hóa, thực hiện phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong bảo vệ di sản để cải thiện sinh kế cộng đồng. Đối tác sẽ đóng vai trò quan trọng trong :
- Đánh giá nhu cầu: Khả năng tiến hành đánh giá nhu cầu toàn diện để hiểu được các yêu cầu và nguyện vọng cụ thể của cộng đồng địa phương liên quan đến di sản văn hóa của họ.
- Phát triển chương trình nâng cao năng lực: Khả năng thiết kế chương trình xây dựng năng lực giải quyết nhu cầu của địa phương, bao gồm các chủ đề như quản lý dự án, phát triển cộng đồng bền vững và lâu dài, lập kế hoạch quản lý di sản cộng đồng (bao gồm xác định, lập danh mục, công nhận, quản lý và quảng bá tài sản di sản), phát triển sản phẩm địa phương và kết nối với thị trường mới, phát triển và quản lý du lịch di sản và các vấn đề xuyên suốt như cân bằng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, tính xác thực của văn hóa, quyền sở hữu và đưa ra quyết định của địa phương, v.v.
- Cách tiếp cận bao gồm và mang tính tương tác: Khả năng thiết kế và cung cấp các hoạt động có tính tham gia, tôn trọng các yếu tố văn hóa, các yếu tố về giới, và dễ tiếp cận với tất cả các thành viên cộng đồng. Các nhóm mục tiêu là các chuyên gia/tổ chức về di sản văn hóa, những người thực hành di sản, các thành viên cộng đồng bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, người bản địa, người trẻ tuổi, từ các cộng đồng ít được biết đến và khó tiếp cận hơn.
- Câu lạc bộ Di sản Kết nối: Khả năng thúc đấy kết nối mạng lưới và chia sẻ kiến thức giữa những người tham gia hội thảo để xây dựng và duy trì một Câu lạc bộ Di sản Kết nối tập trung vào việc bảo vệ Di sản Văn hóa. Từ tháng Một đến tháng Ba năm 2024, Câu lạc bộ Di sản Kết nối, một phần của dự án Di sản Kết nối đã được Hội đồng Anh giới thiệu và phát triển với sự tích cực tham gia của hơn 250 thành viên, bao gồm các đối tác dự án, bên nhận tài trợ và các cá nhân/tổ chức hiện đang làm việc cùng nhau để chia sẻ các thực hành, bài học từ Di sản Kết nối và trong lĩnh vực di sản văn hóa. Chúng tôi sẽ tìm cách để Cộng đồng này có thể tự duy trì.
- Hoạt động tiếp nối và hỗ trợ: Cung cấp hỗ trợ tiếp nối sau các hội thảo để giúp cộng đồng triển khai áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học được. Theo kế hoạch, khi các khóa tập huấn diễn ra, chúng tôi cũng sẽ đưa ra lời mời nộp hồ sơ. Những người tham gia tập huấn sẽ được khuyến khích gửi đề xuất và tìm cách ứng dụng các kỹ năng, kiến thức và quy trình đã học trong việc phát triển và triển khai các dự án và sáng kiến sử dụng di sản văn hóa làm nguồn lực để giải quyết các thách thức phát triển tại địa phương.
(2) Đồng xây dựng và quản lý Chương trình Tài trợ Di sản Văn hóa cùng Hội đồng Anh thông qua một quy trình minh bạch đảm bảo cơ hội bình đẳng. Quy trình này bao gồm lời mời nộp đề xuất, buổi thông tin, hội đồng đánh giá, gửi tài trợ tới những người nhận tài trợ và giám sát, đánh giá và học hỏi. Mục đích của chương trình tài trợ là trực tiếp tham gia và mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ và quảng bá di sản văn hóa của họ. Việc quản lý chương trình tài trợ có thể bao gồm cung cấp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ quản lý, tức là giám sát tiến độ thông qua các cuộc họp thường xuyên và các chuyến đi thực tế, đánh giá kết quả/đầu ra của dự án, thu thập dữ liệu, viết báo cáo, v.v., cho tất cả những người nhận tài trợ. Báo cáo này cung cấp thông tin về Thử thách Di sản Văn hóa Cộng đồng, một chương trình hỗ trợ của Hội đồng Anh cho các sáng kiến do địa phương lãnh đạo trong giai đoạn 2021 và 2023.
(3) Tổ chức các cơ hội chia sẻ kiến thức và học tập, ví dụ như các cuộc họp bàn tròn, hội thảo, hội nghị, v.v. có sự tham gia của các thành viên/nhóm cộng đồng, những người thực hành và chuyên gia về di sản, các nhà nghiên cứu và học giả, và các cơ quan chính phủ có liên quan.