Hội đồng Anh xin mời nộp hồ sơ ý tưởng từ các đối tác tiềm năng để xây dựng chương trình Phim như một Di sản – một chương trình nhằm thử nghiệm những cách thức để sử dụng và khai thác di sản phim của Việt Nam để phục vụ cho lợi ích của người thực hành và khán giả, cũng như để đóng góp cho sự phát triển của ngành phim và di sản ở Việt Nam.
Xin lưu ý các thời điểm quan trọng của chương trình:
Bước 1: Mời nộp hồ sơ ý tưởng
Hạn gửi các thắc mắc: 30.11.2019
Hạn nộp hồ sơ ý tưởng: 08.12.2019
Công bố kết quả lựa chọn hồ sơ nhận tài trợ: 16.12.2019
Bước 2: Phát triển kế hoạch cụ thể và thực hiện chương trình (dành cho các hồ sơ được lựa chọn nhận tài trợ)
Lên kế hoạch cụ thể chương trình: 1– 30.01.2020
Thực hiện chương trình: Từ ngày 01.02.2020
Chúng tôi tìm kiếm đối tác tiềm năng từ cả phía nhà nước và độc lập để cùng phối hợp thiết kế và triển khai chương trình này để nhằm đạt được các mục đích như sau:
- mở ra kênh tiếp cận với di sản phim của Việt Nam, bao gồm những kho lưu trữ của nhà nước và các sưu tập của tư nhân và cá nhân
- đào tạo kỹ năng và đa dạng hoá các thực hành liên quan tới di sản phim
- tạo ra các cơ hội tương tác và hợp tác làm việc giữa những kho lưu trữ phim của nhà nước, bộ sưu tập phim của tư nhân và cá nhân với những người thực hành và công chúng nói chung.
Các hoạt động phù hợp cho chương trình này bao gồm: hỗ trợ cho những người thực hành phim hay giám tuyển về phim lên chương trình chiếu phim và thảo luận; tạo cơ hội cho các nghệ sỹ và người thực hành sáng tạo (nhà văn, nhạc sỹ, nghệ sỹ thị giác vv..) tiếp cận được với các lưu trữ phim và tự phát triển những ý tưởng làm việc với chất liệu từ lưu trữ phim; các chương trình nhằm hướng đến cộng đồng, lấy lưu trữ phim làm khởi điểm để gợi mở những trao đổi về ký ức, địa phương, ví dụ như làm việc với cộng đồng ở một địa phương có trong một bộ phim, tương tác với những người làm việc trong ngành phim, hay ký ức đi xem phim ở rạp.
Chúng tôi mong muốn làm việc với tất cả các loại di sản phim, từ phim nhựa, phim tài liệu, phim hoạt hình, phim tự làm, phim tư liệu, ví dụ như tư liệu về các di sản văn hoá phi vật thể.
Giới thiệu chung về dự án
Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều là một chương trình thí điểm do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong trường hợp này, di sản văn hóa bao gồm từ các di sản vật thể đến các truyền thống văn hóa phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ, còn sự phát triển đồng đều nhằm chỉ các nỗ lực xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo.
Phiên bản Việt Nam của chương trình là dự án Di sản Kết nối – làm việc với các di sản nhạc và phim, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một.
Dự án Di sản Kết nối sử dụng các hướng tiếp cận sáng tạo nhằm giúp các cộng đồng khác nhau đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, qua đó đem lại sự phát triển bền vững và rộng khắp trong các ngành di sản. Dự án gồm hai hợp phần chính liên quan chặt chẽ: Di sản Cộng đồng, và FAMLAB (Phim, nhạc và lưu trữ). Các hoạt động của Hợp phần Một tập trung vào các nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại các cộng đồng địa phương, trong khi đó Hợp phần Hai hướng đến cộng đồng sáng tạo nói chung – đặc biệt là nghệ sĩ và khán giả - nhằm giúp khởi phát các dự án đương đại tương tác với các giá trị truyền thống.
Di sản nhạc và phim – đặc biệt là di sản của các nhóm lề hóa (do lý do kinh tế, xã hội hoặc chính trị), bao gồm các cộng đồng dân cư nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số - đang có xu hướng trở nên ít liên quan hơn đến sự phát triển về văn hoá và xã hội đương đại nói chung ở Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế liên tục phát triển. Một số các giá trị độc đáo của di sản nhạc và phim nhận được ít sự quan tâm và hỗ trợ, và do đó đối mặt với nguy cơ biến mất. Tình trạng này dẫn đến việc các cộng đồng gắn liền với các di sản gặp nhiều hạn chế trong việc phát triển nguồn lực con người và đóng góp cho phát triển xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường của đất nước.
Để biết thêm về dự án xin truy cập: https://www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/nghe-thuat/di-san-ket-noi
Phim như một Di sản
Đây là một chương trình thí điểm nhằm tăng sự tiếp cận và các thực hành tương tác với lưu trữ phim trong những nghiên cứu và thực hành làm phim đương đại, từ đó giữ gìn cũng như truyền cảm hứng về giá trị của di sản phim Việt Nam, vì lợi ích của người thực hành phim cũng như khán giả.
Trong khuôn khổ của chương trình này, chúng tôi cho rằng những di sản phim Việt Nam bao gồm những lưu trữ phim trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, và các phim tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Ý tưởng của chương trình xuất phát từ những hiểu biết về phim như một di sản văn hóa của Việt Nam mà chúng tôi đã thu được qua chương trình Hội thảo và Workshop Phim như một di sản của Hội đồng Anh thực hiện vào tháng 1 năm 2019. Chúng tôi nhận thấy các giá trị của di sản phim Việt Nam có tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của ngành phim và ngành di sản của quốc gia nếu được khai thác qua các hoạt động sáng tạo và hướng dẫn thực hành. Để biết thêm chi tiết về chương trình này, xin vui lòng tham khảo tài liệu xuất bản của chương trình Mơ và hồi tưởng: Các thực hành xoay quanh di sản phim Việt Nam.
Nộp hồ sơ ý tưởng
Chúng mong nhận được hồ sơ ý tưởng từ:
- các viện phim, trung tâm, xưởng phim có lưu trữ phim của nhà nước, cũng những sưu tầm phim của cá nhân hoặc tư nhân
- những người thực hành hoặc các tổ chức thực hành phim độc lập, có kinh nghiệm và có quan tâm làm việc với lưu trữ phim.
Hồ sơ ý tưởng (tối đa ba trang A4):
- mô tả về di sản phim mà chương trình sẽ tập trung khai thác
- trường hợp các viện hoặc trung tâm lưu trữ phim xin hãy cho biết một danh sách dự định các phim sẽ được tập trung khai thác trong quy mô chương trình này, và nêu rõ ai là đối tượng mà chương trình nhắm đến, ví dụ như nhóm khán giả nào hay nhóm thực hành hay người làm phim nào, và bằng cách nào sẽ chương trình sẽ hướng tới được các đối tượng này
- đối với người thực hành và các tổ chức làm việc với phim, xin nêu rõ kho lưu trữ phim mà bạn có khả năng tiếp cận và khai thác cho mục đích của chương trình này, và cách làm ra sao
- một đoạn ngắn dẫn giải tại sao ý tưởng cho hoạt động (hay một chuỗi các hoạt động) lại phù hợp với mục đích sự dụng khai thác di sản phim để đem lại lợi ích cho người thực hành phim và khán giả
- dự kiến các hạng mục chính trong ngân sách và tổng ngân sách đề xuất phía Hội đồng Anh cung cấp
- khái quát về chức năng, kinh nghiệm, kiến thức, mối liên hệ làm việc, kỹ năng vv.. của thành viên tổ chức hoặc cá nhân đứng ra nộp hồ sơ, để thấy rõ khả năng nhân sự để thực hiện ý tưởng dự án
- thông tin liên lạc (tên người đứng nộp hồ sơ, tên tổ chức, thư điện tử, số điện thoại, địa chỉ).
Chúng tôi cung cấp:
- khoản hỗ trợ trị giá từ 3.000 đến 10.000 ngàn bảng cho mỗi hồ sơ được lựa chọn
- hỗ trợ điều phối và xây dựng kế hoạch cụ thể cho chương trình từ ngày 1–30 tháng 1 năm 2020
- hỗ trợ về mặt quản lý dự án trong thời gian thực hiện chương trình.
Xin gửi hồ sơ ý tưởng chương trình dự tuyển về địa chỉ vnarts@britishcouncil.org.vn trước ngày 8 tháng 12 đề [Tên]_FCH. Chúng tôi có thể liên lạc qua điện thoại để biết thêm thông tin hoặc hẹn phỏng vấn trong tuần từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 12. Dự kiến kết quả sẽ được thông báo vào ngày 16 tháng 12 năm 2019.
Mọi thắc mắc xin liên hệ địa chỉ email trên trước ngày 30 tháng 11 năm 2019.