Giới thiệu
Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều là một chương trình nghiên cứu hành động do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong trường hợp này, di sản văn hóa bao gồm từ các di sản vật thể đến các truyền thống văn hóa phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ, còn sự phát triển đồng đều nhằm chỉ các nỗ lực xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo.
Để biết thêm thông tin về dự án xin vui lòng truy cập https://www.britishcouncil.vn/en/programmes/arts/heritage-future-past
Lời mời đóng góp vào bộ sưu tập số Di sản Kết nối
Hội đồng Anh mong muốn xây dựng bộ sưu tập số Di sản Kết nối – một bộ sưu tập số hóa những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm, và cá nhân đa dạng đã tham gia vào của dự án Di sản Kết nối trong vòng bốn năm qua. Bộ sưu tập này muốn nhắm đến các công đồng người Bahnar, Ede và Jrai ở Tây Nguyên, cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ, và cộng đồng nghệ sỹ và người mộ điệu các loại hình diễn xướng nam bộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chúng tôi mong muốn bộ sưu tập số Di sản Kết nối này sẽ góp phần gìn giữ và chia sẻ những giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng đa dạng, đặc biệt là những di sản ít được biết đến và có khả năng sớm bị lãng quên. Không chỉ ghi lại những di sản này qua phương thức số hóa, chúng tôi còn hy vọng thu thập và kể lại được những câu chuyện, tái hiện lại không gian, và đem tới hình ảnh, tiếng nói của những con người và cộng đồng là chủ sở hữu những di sản này. Hay nói một cách khác, là xây dựng và truyền tải được qua các sản phẩm kỹ thuật số đời sống của di sản văn hóa trong cộng đồng. Dự định của chúng tôi là bộ sưu tập số này sẽ được lan tỏa và sử dụng trong chính những cộng đồng chủ sở hữu di sản, để góp phần nâng cao đời sống tinh thần và có thể được đưa vào trong các hoạt động sinh kế trong cộng đồng (ví dụ như du lịch di sản, lễ hội cộng đồng). Chúng tôi cũng mong bộ sưu tập số này được chia sẻ rộng rãi đến những cá nhân và cộng đồng khác trong nước, trong khu vực, và trên thế giới, góp phần làm giàu hiểu biết về di sản văn hóa cộng đồng các đa dạng các dân tộc.
Đây sẽ là một bộ sưu tập số di sản văn hóa cộng đồng do chính cộng đồng cân nhắc, lựa chọn, đóng góp và xây dựng, với sự hỗ trợ của những chuyên gia làm việc với di sản văn hóa và về âm thanh, hình ảnh, đồ họa và kỹ thuật số.
Chúng tôi xin mời các cá nhân, nhóm, hội, tổ chức từ các cộng đồng ở các vùng miền nói trên tham gia cùng đề cử những hiện vật hay thực hành có giá trị về mặt di sản văn hóa cộng đồng để xây dựng bộ sưu tập số Di sản Kết nối. Đối với chúng tôi, tất cả những gì mà các thành viên cộng đồng cho là di sản văn hóa có giá trị mà cộng đồng muốn giữ gìn, tiếp diễn và chia sẻ thì đều là những di sản văn hóa có thể được sử dụng để xây dựng bộ sưu tập này.
Dưới đây là một số gợi ý về những gì cộng đồng có thể đề cử và lựa chọn để trở thành một phần của bộ sưu tập:
- Những hiện vật di sản văn hóa, ví dụ như vật dụng trang trí thủ công, vật được dùng trong các nghi lễ, nhạc cụ, trang phục, sản phẩm thủ công có thiết kế đặc biệt hay biểu trưng cho những nét văn hóa đặc biệt của các nhóm dân tộc và các cộng đồng đa dạng khác nhau. Khi đề cử vui lòng cung cấp hình ảnh và mô tả ngắn gọn về hiện vật (ví dụ như những điểm tiêu biểu về màu sắc, hình khối, đường nét, chất liệu, mới hay cũ vv..) và nêu rõ mục đích sử dụng hay trưng bày (ví dụ như là công cụ làm việc, vật trang trí trong nhà, vật dụng hay trang phục hay đạo cụ thường được sử dụng trong các nghi lễ hay các dịp đặc biệt vv..). Hãy cho biết thêm về ý nghĩa, hay câu chuyện đằng sau hiện vật, kể cả những câu chuyện liên quan đến hiện vật quen thuộc trong gia đình, trong cộng đồng mà người ngoài có thể không biết.
- Ảnh chụp hoặc hình vẽ tay các hiện vật có giá trị về mặt di sản văn hóa như mô tả ở trên, hoặc nếu là hiện vật có kích cỡ lớn hoặc những cấu trúc lớn (ví dụ như nhà rông, hay đền thờ) thì có thể là ảnh chụp hay hình vẽ tay của một hoặc một vài chi tiết nào đó có ý nghĩa đặc biệt. Bạn cũng có thể đề xuất ảnh chụp hoặc hình vẽ tay ghi lại hay tái hiện lại một thực hành hay hoạt động văn hóa nào đó tại địa phương (ví dụ như hoạt động làm đồ thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát, hoạt động hát thánh ca, lễ hội cồng chiêng, hay một nghi lễ nào đó vv..). Trường hợp bạn đề cử ảnh chụp, chúng tôi có thể sẽ liên hệ với bạn sắp xếp chụp lại để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của hình ảnh nếu được chọn. Vui lòng cung cấp những thông tin mô tả đi kèm tương tự như trên.
- Thu lại âm thanh hoặc hình ảnh một thực hành di sản văn hóa. Đây có thể là thu âm, hoặc một video về các thực hành như biểu diễn, ca, múa, tụng, đọc thơ, kể chuyện, vv.. Ví dụ, đó có thể là việc thu âm hoặc hình của biểu diễn cồng chiêng, hát nhạc lễ của chức sắc người Chăm, quay video lễ hội mở kho lúa mừng năm mới của người Bahnar, hay lễ hội Kate của người Chăm, buổi diễn Hát bội, Cải lương, hoặc bất cứ trình diễn hay lễ hội, nghi lễ nào tại địa phương. Khi đề cử, vui lòng gửi kèm file thu âm hoặc thu hình của bạn, chúng tôi sẽ xem và có thể liên lạc với bạn nếu như cần sửa hay thu lại để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Vui lòng cung cấp phần dẫn giải để giúp người xem hiểu được bối cảnh, những thông tin thú vị hay những câu chuyện về thực hành di sản văn hóa địa phương.
Xin lưu ý:
- Chúng tôi không yêu cầu bạn phải gửi hiện vật cho chúng tôi, trừ khi chúng tôi đặt hàng bạn làm mẫu tương tự. Chúng tôi mong muốn tái hiện lại hiện vật thông qua cách làm số hóa, tức là chụp ảnh, vẽ tay và scan lại, dựng lại, hoặc thu âm, thu hình vv.. Việc số hóa có thể thực hiện bởi chính bạn, hoặc chúng tôi làm lại, hoặc phối hợp để cùng làm và đảm bảo được các yêu cầu về mặt kỹ thuật của bộ sưu tập số này. Hiện vật của bạn thuộc về bạn hay cộng đồng của bạn, và luôn nên ở lại với bạn và cộng đồng.
- Việc lựa chọn đề cử để đưa vào bộ sưu tập sẽ được hỗ trợ bởi một nhóm bao gồm những chuyên gia về di sản văn hóa và những người thực hành văn hóa từ chính các địa phương và cộng đồng chủ thể. Đây là những người có hiểu biết sâu rộng về văn hóa và di sản văn hóa cộng đồng, đồng thời có chuyên môn cao về việc xây dựng bộ sưu tập, bao gồm sưu tập số.
- Chúng tôi có mức thù lao từ VND 3,000,000 – VND 15,000,000 (bao gồm thuế nếu áp dụng) cho các đề xuất được lựa chọn. Đây không phải chi phí để chúng tôi mua lại hiện vật hay hình thức số hóa lại hiện vật, mà là thù lao dành cho thời gian mà chúng tôi mong bạn sẽ cùng làm việc với chúng tôi để đảm bảo rằng chúng ta sẽ có được nội dung số hóa của hiện vật hay thực hành mà bạn đề cử cho bộ sưu tập phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.
- Nếu đề cử của bạn không được lựa chọn, điều đó không có nghĩa là hiện vật hay thực hành bạn đề cử không có giá trị, mà chỉ có nghĩa là trong khuôn khổ của hoạt động, chúng tôi tạm thời chưa có khả năng để cho hiện vật hay thực hành đó vào bộ sưu tập này.
- Nếu đề cử của bạn được lựa chọn cho bộ sưu tập, bạn sẽ cho chúng tôi quyền để sử dụng nội dung số hóa của hiện vật, cấu trúc hay thực hành bạn đề cử. Điều này có nghĩa là nội dung số hóa đó sẽ là một phần của bộ sưu tập số Di sản Kết nối, và chúng tôi sẽ truyền thông giới thiệu rộng rãi đến các cộng đồng trong nước, trong khu vực, và trên thế giới. Bạn có quyền được yêu cầu để tên và thông tin liên lạc của mình hoặc của cộng đồng mình gắn liền cùng với đề cử của bạn trong bộ sưu tập và trong các hoạt động truyền thông.
Nếu bạn quan tâm gửi đề cử đến cho chúng tôi, vui lòng hoàn thiện đầy đủ thông tin trong Biểu mẫu dưới đây và gửi về cho chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử sau vnarts@britishcouncil.org.vn hoặc qua đường bưu điện về Ban Nghệ thuật và Công nghiệp Sáng tạo, Hội đồng Anh, 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội trước ngày 15.01.2022. Chúng tôi sẽ liên lạc lại đến bạn trước ngày 24.01.2022.
Câu hỏi thắc mắc liên quan đến chương trình cũng có thể gửi đến địa chỉ thư điện tử sau vnarts@britishcouncil.org.vn trước ngày 10.01.2022. Xin lưu ý văn phòng Hội đồng Anh sẽ đóng cửa nghỉ Giáng sinh vă Năm mới từ 25.12.2021 đến hết ngày 03.01.2022, vì vậy chúng tôi sẽ phản hồi chậm hơn nếu câu hỏi được gửi trong thời gian này.
Các mốc thời gian tham khảo
Nội dung | Thời hạn dự định |
Thông báo gửi đề cử | 15.12.2021 |
Hạn nộp đề cử | 15.01.2022 |
Lựa chọn đề cử và thông báo | 24.01.2022 |
Quá trình số hóa tất cả các đề cử | 25.01.2022 đến 15.03.2022 |
Tham vấn ý kiến đóng góp về bộ sưu tập | 15.03.2022 đến 31.03.2022 |
Ra mắt bộ sưu tập số Di sản Kết nối | Sau 31.03.2022 |