Buổi diễn kết thúc chương trình lưu trú – 23 tháng 1 năm 2019. Ảnh: Tú Nguyễn

Nối tiếp chương trình lưu trú tại Phù Sa Lab, Hà Nội (tháng Một 2019) chúng tôi đang tìm kiếm 7–10 nghệ sĩ âm nhạc đương đại sinh sống tại Việt Nam để tham gia chương trình lưu trú FAMLAB tại Hội An, vào tháng Sáu 2019.

Hạn chót để gửi hồ sơ tham gia là 29 tháng Tư 2019.  

TỔNG QUAN 

Thuộc hợp phần FAMLAB của Dự án Di sản Kết nối (do Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai) và thực hiện với sự phối hợp cùng Lune Production và Phù Sa Lab (với sự tham gia của Giám đốc Âm nhạc Nguyễn Nhất Lý cùng các thành viên của dàn nhạc SEAPHONY), chương trình lưu trú FAMLAB hướng đến sự giao lưu, trao đổi và chia sẻ chuyên sâu về âm nhạc bản địa. 

Với sự tham gia của các nghệ nhân và nghệ sĩ đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam và Scotland, chương trình lưu trú sẽ diễn ra trên khung nền là âm nhạc bản địa của các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, với các nghệ sĩ Phù Sa Lab trong vai trò Cố vấn và Điều phối Nghệ thuật. Chương trình sẽ tiến hành trong 20 ngày làm việc và tập luyện, kết thúc với một buổi diễn tổng kết tại Hội An, giới thiệu các tác phẩm thể nghiệm được phát triển trong quá trình lưu trú. 

THÔNG TIN 

Địa điểm: Hội An 
Thời gian: 6–25 tháng Sáu, 2019; buổi diễn tổng kết chia sẻ với công chúng diễn ra ngoài trời vào ngày 25 tháng Sáu tại Công viên Văn hóa Đồng Hiệp, Hội An. 
Thành phần tham gia:  

  • các nghệ nhân âm nhạc từ các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ
  • các cố vấn, điều phối nghệ thuật và nghệ nhân âm nhạc từ Phù Sa Lab: Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Đức Minh và Quyền Thiện Đắc
  • các nhạc sĩ khách mời
  • ba nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Scotland
  • tối đa mười nghệ sĩ âm nhạc hoặc cá nhân hoạt động văn hoá nghệ thuật có quan tâm đến âm nhạc bản địa hiện sinh sống tại Việt Nam 
  • tám nghệ sĩ thuộc biên chế LUNE Production tại Hội An.

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN 

Các nghệ sĩ đang sinh sống tại Việt Nam và đáp ứng các tiêu chí sau:

  • có kiến thức và các thực hành liên quan đến âm nhạc bản địa Việt Nam, cụ thể là âm nhạc các vùng văn hoá Tây Bắc, Tây Nguyên và âm nhạc Chăm
  • có khả năng diễn tấu và ngẫu hứng
  • mong muốn tìm hiểu, học hỏi, hoặc phát triển thực hành âm nhạc bản địa Việt Nam trong bối cảnh đương đại ở bất kỳ quy mô nào từ cá nhân đến nhóm hoặc cộng đồng
  • có quan tâm tìm hiểu sâu và mong muốn đóng góp cho âm nhạc bản địa Việt Nam
  • không giới hạn quốc tịch, dân tộc, địa bàn cư trú, và độ tuổi, tuy nhiên chương trình ưu tiên cho các nghệ sĩ trẻ.

ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC

Từ phía nghệ sĩ:

  • Các nghệ sĩ được chọn cần tham gia toàn thời gian chương trình lưu trú tại Hội An gồm 20 ngày từ 6–25 tháng Sáu.  
  • Vai trò của từng nghệ sĩ trong giai đoạn cọ xát thể nghiệm và biểu diễn tổng kết sẽ được tư vấn và quyết định bởi các cố vấn âm nhạc thông qua nhìn nhận và đánh giá xuyên suốt quá trình làm việc. 
  • Nghệ sĩ được lựa chọn tham gia lưu trú không đảm bảo sẽ tham gia biểu diễn tổng kết, việc này tùy thuộc vào yêu cầu của buổi biểu diễn và quyết định của nhóm cố vấn. 

Ban tổ chức sẽ sắp xếp và chi trả:

  • vé máy bay (hoặc một phương tiện di chuyển khác phù hợp cho người tham gia) đến/đi từ Hội An
  • phương tiện di chuyển làm việc tại địa phương trong quá trình lưu trú
  • nhà ở và các bữa ăn trong quá trình lưu trú
  • không gian làm việc, thiết bị âm thanh, và các nhạc cụ bản địa (như cồng chiêng, ting ning, trống ghinăng và paranưng, đàn môi, sáo, và những loại nhạc cụ khác) và một số nhạc cụ do chính nghệ nhân của Phù Sa Lab chế tác
  • hỗ trợ phiên dịch (nếu cần). 

THỂ LỆ NỘP HỒ SƠ LƯU TRÚ VÀ QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN

Thể lệ hồ sơ lưu trú: 

Các nghệ sĩ quan tâm đến chương trình vui lòng chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • lý lịch làm việc (không quá một mặt A4) liệt kê các trải nghiệm và thực hành âm nhạc
  • một video ngắn được quay trong thời gian sau 26/3/2019, thời lượng từ 3–5 phút, thể hiện tương tác âm nhạc của nghệ sĩ với chất liệu âm nhạc bản địa của một hoặc nhiều vùng văn hoá: Tây Bắc hoặc Tây Nguyên hoặc Chăm.

Trong video này, nghệ sĩ có thể sử dụng bất cứ nhạc cụ nào từ truyền thống đến hiện đại. Video này cần đảm bảo chất lượng âm thanh tối thiểu ở mức thu bằng điện thoại cầm tay. 

Với các ứng viên thực hành văn hoá nghệ thuật ngoài lĩnh vực âm nhạc: 

Chương trình hoan nghênh hồ sơ từ những cá nhân không thực hành âm nhạc nhưng tham gia với mục đích học hỏi nghiên cứu âm nhạc bản địa cho công việc liên quan đến văn hoá nghệ thuật và hoạt động cộng đồng. Trong trường hợp này, vui lòng gửi cho chúng tôi lý lịch làm việc, đường dẫn đến hai dự án từng thực hiện, cùng một đoạn văn ngắn tối đa 300 từ nêu rõ lý do bạn muốn tham gia chương trình và mọi ý tưởng hiện có.

Thể lệ gửi hồ sơ: 

  • Vui lòng gửi hồ sơ về địa chỉ vnarts@britishcouncil.org.vn trước 23.59 ngày 29 tháng Tư. 
  • Vui lòng dùng các ứng dụng lưu trữ trực tuyến như Google Drive, Dropbox,… để đăng tải video theo thể lệ và gửi đường dẫn cùng lý lịch làm việc đính kèm đến địa chỉ email trên. 
  • Các nghệ sĩ không có điều kiện quay video và dùng mạng đăng tải, vui lòng liên hệ ban tổ chức qua các kênh thông tin bên dưới để được hỗ trợ.

Quy trình nhận hồ sơ và tuyển chọn: 

  • 29 tháng Tư: hạn chót gửi và nhận hồ sơ
  • 4 tháng Năm: các cố vấn âm nhạc phỏng vấn các nghệ sĩ qua vòng sơ loại (có thể bao gồm diễn tấu trực tiếp)
  • 6 tháng Năm: công bố danh sách các nghệ sĩ tham gia.

LIÊN LẠC 

Trần Duy Hưng 
Quản lý Chương trình
Ban Nghệ thuật và Công nghiệp Sáng tạo
Hội đồng Anh 
20 Thụy Khuê
Hà Nội
Việt Nam
T +84 1800 1299 máy lẻ 1929
hung.tran@britishcouncil.org.vn

Phạm Minh Hồng
Quản lý Chương trình
Ban Nghệ thuật và Công nghiệp Sáng tạo
Hội đồng Anh 
20 Thụy Khuê
Hà Nội
Việt Nam
T +84 1800 1299 máy lẻ 1924
hong.pham@britishcouncil.org.vn

NHÀ TỔ CHỨC

DỰ ÁN DI SẢN KẾT NỐI CỦA HỘI ĐỒNG ANH TẠI VIỆT NAM

Di sản Kết nối là dự án trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa và Phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam, kéo dài trong hai năm, Dự án này sẽ làm việc với di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Dự án bao gồm hai hợp phần có liên kết chặt chẽ: Hoạt động văn hóa cộng đồng, và Lab Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB – Film, Archive and Music Lab). Khởi động vào tháng 4 năm 2018, dự án nhằm kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó.

Các hoạt động của dự án bao gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại. Xem thêm thông tin về dự án tại đây.

LUNE PRODUCTION

Lune Production được thành lập vào năm 2012 với hoài bão truyền tải những giá trị văn hóa của thế giới, bắt đầu từ Việt Nam, đến với khán giả toàn cầu. Công ty phát triển và quảng bá những vở diễn và sản phẩm mang chất liệu văn hóa bản địa qua việc hợp tác với những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới chia sẻ cùng tầm nhìn và đam mê. Các tác phẩm của Lune Production như À Ố Show, Làng Tôi, … đã chinh phục khán giả địa phương cũng như quốc tế khắp bốn châu lục. Song song với việc mở rộng quy mô, công ty tiếp tục tập trung thúc đẩy sáng tạo và khơi nguồn và phát triển các giá trị văn hóa. Các công trình gần đây nhất của Lune là Dự án S.E.A Sound, giới thiệu Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony; và Palao, tác phẩm sân khấu đương đại mang hơi thở văn hóa Chăm.

DỰ ÁN S.E.A SOUND VÀ DÀN NHẠC ÂM THANH BẢN ĐỊA SEAPHONY 

Dự án S.E.A Sound được kiến thiết bởi nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý, nhằm tạo nên một sân chơi cho cộng đồng những người yêu mến âm nhạc bản địa Đông Nam Á sẻ chia, thưởng thức, sáng tác, biểu diễn và cùng phát triển. Sau nhiều năm nghiên cứu và những tháng ròng lao động miệt mài xuyên suốt 2017, Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony đã có buổi ra mắt với chương trình ‘Đêm Vô Thức Bản Địa’ tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào ngày 12/12/2017. Bước kế tiếp, S.E.A Sound hướng tới bén rễ sâu hơn thành nền tảng bền vững lâu dài ở các cộng đồng bản địa, đồng thời kết nối các nhạc sĩ và nghệ nhân khắp các quốc gia trong khu vực, dần xây dựng một mạng lưới mở cùng phát triển, chia sẻ và mang thanh âm bản địa Đông Nam Á ra thế giới.

PHU SA LAB

Ra đời ở quận Tây Hồ, Hà Nội, Phù Sa Lab được sáng lập bởi nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý trong những năm đầu trở về Việt Nam, với tầm nhìn kiến thiết một chốn hội tụ cho các nghệ sĩ độc tập, một nơi thể nghiệm cho việc thực hành âm nhạc truyền thống và bản địa Việt Nam trong bối cảnh đương đại, một không gian mở cho các nhà hoạt động văn hóa và người sáng tạo cùng sẻ chia các giá trị sống, đam mê, lý tưởng về nghệ thuật, nhân văn, và môi trường.