Hội đồng Anh đang tìm kiếm một nhóm làm việc sáng tạo có thể giúp chúng tôi thực hiện một công việc mới là xây dựng Bộ công cụ kể chuyện: Di sản sống nhằm mục đích hỗ trợ các cộng đồng địa phương tại Ninh Thuận, Gia Lai – Kon Tum, và TP. Hồ Chí Minh kể lại câu chuyện về giá trị những di sản văn hóa trong cộng đồng của họ. Đây là một phần của hợp phần Di sản văn hóa cộng đồng của dự án Di sản Kết nối, nhằm hỗ trợ các cộng đồng ở các vùng miền khác nhau ở Việt Nam sử dụng di sản như một nguồn lực để thúc đẩy sinh kế tại địa phương và phát triển đồng đều.
Dưới đây là những điểm quan trọng cần lưu ý của yêu cầu công việc này:
1. Thành phẩm cuối cùng của công việc này là một bộ công cụ gồm tất cả những gì mà một người có thể sử dụng để kể một câu chuyện về di sản của họ; và một chuỗi các buổi thực tập sử dụng bộ công cụ này tại địa phương.
2. Bộ công cụ này cần được xây dựng với sự tham gia của người dân tại các địa phương tiêu điểm của dự án. Điều này có nghĩa là nhóm làm việc cần phải lưu trú tại các cộng đồng này và nghiên cứu, trao đổi, làm việc cùng với người dân địa phương để bảo đảm rằng nội dung của bộ công cụ này phản ánh một cách chân thực nhất hiểu biết về di sản văn hóa của cộng đồng địa phương như một phần trong đời sống của họ, và các công cụ được thiết kế phù hợp để người địa phương sử dụng.
3. Chúng tôi dự định rằng bộ công cụ này sẽ có 4 phần thiết yếu:
Phần 1: Những bí kíp (top tips) về phương pháp kể chuyện phù hợp cho người sử dụng.
Phần 2: Ba câu chuyện mẫu phù hợp với ba địa phương tiêu điểm, được nghiên cứu kỹ lưỡng, trình bày sáng tạo, và phù hợp với văn hóa của từng địa phương. Những câu chuyện này có thể được trình bày một cách linh hoạt phù hợp để người dân địa phương có thể sử dụng hay trưng bày (vd: stickers cho trẻ em, sách bỏ túi cho người lớn, video kể chuyện, câu chuyện được in hoặc khắc lên gỗ để treo, vv..).
Qua làm việc với các cộng đồng tiêu điểm ở Ninh Thuận, Gia Lai – Kontum, và TP. Hồ Chí Minh đã giúp chúng tôi hiểu và trân trọng các giá trị di sản văn hóa đa dạng của các cộng đồng này, và nhận ra rằng không thể chia tách một loại di sản văn hóa nào ra khỏi tổng thể di sản văn hóa và đời sống tại địa phương. Chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu về các loại nhạc và trình diễn nghi lễ của người Chăm ở Ninh Thuận, về văn hóa cồng chiêng Tây nguyên ở Gia Lai và Kon Tum, về Cải Lương và các loại hình diễn xướng Nam bộ. Chúng tôi khuyến khích nhóm làm việc tìm hiểu về giá trị của các loại hình di sản này trong đời sống của các cộng đồng địa phương. Chúng tôi rất cởi mở để thảo luận thêm với nhóm hoặc các cá nhân được lựa chọn cho công việc này để định hình rõ hơn sản phẩm đầu ra của công việc này sao cho phù hợp và đem lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương tiêu điểm.
Phần 3: Bao gồm những lời khuyên (dành cho người ngoài cộng đồng) về những điều “nên” và “không nên” làm khi đến những cộng đồng này (vd: những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, thương mại công bằng, đảm bảo tính chân thực của các giá trị văn hóa, các vấn đề liên quan đến tính đa dạng của biểu đạt văn hóa, quyền của người dân tộc thiểu số).
Phần 4: Một định dạng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng để người dân có thể dùng để tạo ra và kể lại câu chuyện về di sản văn hóa của riêng mình.
4. Chúng tôi dự định là bộ công cụ này sẽ sử dụng nhiều yếu tố hình ảnh và sẽ có tính tương tác cao với người sử dụng. Các phần sử dụng ngôn ngữ sẽ được biểu hiện bằng ba thứ tiếng là tiếng địa phương, tiếng Việt và tiếng Anh.
5. Trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển bộ công cụ, chúng tôi có thể giúp nhóm làm việc có được lời khuyên, tư vấn của các chuyên gia trong nhiều linh vực liên quan ví dụ như dân tộc học, âm nhạc dân tộc, lịch sử, lịch sử nghệ thuật, văn hóa Chăm, văn hóa Tây nguyên, văn hóa Nam bộ, du lịch, văn hóa và phát triển.