Các hoạt động luyện nghe tiếng Anh hiệu quả

Kasia Pioreowska là giáo viên tiếng Anh tại Hội đồng Anh. Ông đã thu thập các bài tập, trò chơi, các nguồn dữ liệu online để hỗ trợ quá trình luyện nghe tiếng Anh đạt nhiều tiến bộ. Ngoài ra, các mẹo luyện nghe này còn giúp ích cho việc luyện thi IELTS, TOEIC, TOEFL, và các kỳ thi tiếng Anh quan trọng khác, hi vọng rằng sẽ hữu ích với bạn.

Vì sao học viên cần luyện Nghe tiếng Anh?

Trong cuốn sách "Effective Listening" (Lắng nghe hiệu quả) xuất bản năm 2016 của Chris Battel: lắng nghe là kỹ năng chiếm hơn một nửa thời gian giao tiếp của chúng ta. Vì vậy, Nghe trở thành một trong những kỹ năng ngôn ngữ quan trọng nhất mà chúng ta cần chú trọng.

Đối với những người học tiếng Anh, việc theo dõi tin tức, bài hát hoặc phim truyền hình bằng tiếng Anh là một thử thách. Lý do xuất phát từ việc họ không quen với tốc độ nói, giọng nói lạ, độ dài của bài Nghe hoặc từ vựng mới.

Cách giúp học viên Nghe tiếng Anh được lâu hơn

Cách tốt nhất để giúp học viên duy trì việc Nghe tiếng Anh là biến quá trình Nghe thành hoạt động cá nhân. Yêu cầu người học bắt cặp hoặc làm việc nhóm để bày tỏ ý kiến của mình về chủ đề sắp được nghe.

Ví dụ: nếu chủ đề là "risk" (rủi ro), hãy yêu cầu học viên tập hợp thành nhóm hoặc từng cặp và thảo luận về ý nghĩa của một câu trích dẫn như: "Only those who will risk going too far can possibly find out how far it is possible to go". (Chỉ những người chấp nhận mạo hiểm mới biết mình có thể đi được bao xa - T.S. Eliot).

Việc thảo luận các chủ đề sẽ giúp học viên nhớ lại kiến thức, kinh nghiệm đã từng gặt hái được từ chủ đề đó. Điều này được gọi là "mở rộng dữ liệu", chuẩn bị cho học viên những gì họ sắp được Nghe. Từ đó, học viên còn có thể tự áp dụng chiến lược này vào những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Dự đoán nội dung

Chúng ta thường yêu cầu người học nhớ lại nhiều chi tiết của một văn bản Nghe tiếng Anh. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường không tập trung vào các từ hoặc ngôn ngữ mà thay vào đó là tập trung đến những thông điệp hoặc những gì đang được nói tới. Các câu hỏi nghe hiểu nội dung trong sách giáo khoa thường đặt kỳ vọng quá nhiều ở học viên và không khuyến khích học viên đoán nội dung bài Nghe. Trong khi việc đoán nội dung là bước cần thiết trong quá trình luyện nghe một ngoại ngữ mới.

Giáo viên có thể thay đổi phương pháp học cho các học sinh của mình bằng cách: ghi âm một đoạn trích ngắn từ một chương trình truyền hình, một bộ phim, v.v... Bật vài phút đầu tiên của đoạn ghi âm, sau đó dừng lại và để người học dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này sẽ tạo động lực để học viên chú tâm lắng nghe.

Tóm tắt tin tức

Giáo viên ghi âm một bản ngắn các tiêu đề chính của một bản tin, rồi bật cho học viên nghe trước khi phát toàn bộ mẩu tin tức đó. BBC World News và BBC One-minutes World News là những nguồn dữ liệu đáng tin cậy để giáo viên tham khảo và chọn lọc các bản tin phù hợp cho học viên.

Trong cuốn sách "Listening" của tác giả Goodith White gợi ý cho các giáo viên phương pháp bắt đầu bài Nghe bằng cách yêu cầu người học dự đoán những gì họ nghĩ sẽ có trong tin tức ngày hôm đó. Tiếp theo, giáo viên chỉ phát tiêu đề tóm tắt mẫu tin chính ở đầu bản tin (dài khoảng một phút). Sau đó, hãy hỏi các học viên về số lượng tin tức, rồi bật lại phần đó và yêu cầu học viên viết ra bất kỳ từ nào mà họ biết. Cuối cùng là tập hợp tất cả các từ và hỏi người học về diễn biến của mẩu tin.

Thực hành phân tích làm rõ nội dung bài nghe

Trước khi để học viên làm quen với những audio hay video clip có giọng khó nghe, giáo viên có thể thực hành bằng cách tự mình kể một câu chuyện bằng tiếng Anh cho cả lớp cùng nghe (có thể chọn bất kỳ câu chuyện nào, tùy vào trình độ và sở thích người học). Tiếp theo, giáo viên nên kể chuyện bằng một giọng thầm thì, khàn khàn hoặc nói nhanh để học viên không nghe kịp, v.v... Người học chắc chắn sẽ không nghe rõ một số từ, và họ sẽ phải yêu cầu giáo viên lặp lại, nói chậm hơn hoặc cố gắng đoán từ vựng đó.

Bài tập này nhằm khuyến khích người đọc đặt câu hỏi để làm rõ những gì người khác đang nói để giúp họ cảm thấy bớt lo lắng hơn nếu phải đối mặt với tình huống này trong thực tế.

Khi nào nên và không nên sử dụng tiếng Anh chuẩn quốc tế

Trong thực tế, hầu hết các tình huống Nghe hàng ngày, chúng ta thường nhìn thấy người nói. Nhưng với đa số các hoạt động Nghe trong sách, người học chỉ có thể bám vào những gì họ nghe được. Vì vậy mà điều này được xem là không thực tế và có thể làm giảm sự tự tin của học viên vì sự kỳ vọng quá lớn từ bản thân.

Đối với học viên có trình độ tiếng Anh thấp hơn, giáo viên có thể cung cấp cho người học một số tài liệu nghe đơn giản như: chỉ có một người nói và sử dụng tiếng Anh chuẩn.

Ngược lại, đối với các học viên có trình độ cao hơn, như các học viên đang chuẩn bị luyện thi IELTS ở thang điểm 7.0 đến 8.0 thì giáo viên có thể thử thách người học bằng một văn bản Nghe trong đó sử dụng giọng địa phương, có nhiều người nói và ai cũng nói nhanh.

Hình thành thói quen Nghe tiếng Anh

Hãy yêu cầu người học phát triển thói quen Nghe, chẳng hạn như nghe tin tức bằng tiếng Anh mỗi ngày. Giáo viên có thể sử dụng quy trình trong phần "tóm tắt tin tức" được đề cập ở trên, hoặc chỉ cần bắt đầu lớp học với một bản tóm tắt các tin chính hàng ngày để học viên thảo luận theo cặp.

Lồng ghép tình huống thực tế vào bài Nghe

Có rất nhiều dạng bài tập gắn liền với thực tiễn như: thực hiện cuộc gọi video, đặt cuộc hẹn, làm theo chỉ dẫn hoặc điền vào một mẫu đơn nhằm giúp người học luyện kỹ năng Nghe gắn liền với thực tiễn hơn, thậm chí là chủ động được khi gặp tình huống tương tự trong đời sống.

Để thực hành các cuộc gọi điện thoại bằng tiếng Anh, Goodith White gợi ý hoạt động như sau: Sau khi thực hành nói tiếng Anh bằng hoạt động gọi điện thoại, hãy yêu cầu người học tạo tài khoản Skype tạm thời để sử dụng với lớp. Lớp sẽ quyết định mỗi người sẽ phải gọi cho ai và chủ đề thảo luận có thể lấy trong sách giáo khoa, sở thích hoặc bản tin thời sự. Giáo viên có thể giúp học viên chọn chủ đề phù hợp với trình độ tiếng Anh của mình. Sau đó để học viên thực hiện các cuộc gọi ở nhà theo cặp và ghi lại câu trả lời. Trong tiết học tiếp theo, giáo viên hãy bắt đầu bằng cách yêu cầu người học nói với nhau những gì họ đã tìm hiểu về bạn mình.

Luyện Nghe bằng các bài diễn thuyết của TED

Có rất nhiều video từ các diễn giả, chuyên gia trên khắp thế giới nói về nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh doanh, khoa học, công nghệ và sáng tạo, v.v... Giáo viên có thể dễ dàng tìm thấy video phù hợp với sở thích và trình độ của học viên trong các bài diễn thuyết của TED. Ngoài mục đích chính là luyện Nghe, học viên cũng sẽ học được thêm kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, tăng vốn sống cho bản thân mình.

Bài viết liên quan: Cách học tốt tiếng Anh giao tiếp

Xem thêm