Đối với nhiều giáo viên ngoại ngữ, các lớp học tại trường hay các trung tâm tiếng Anh có sĩ số học viên đông là điều không ai mong muốn vì thường nảy sinh nhiều vấn đề. Vậy làm thế nào để tìm ra giải pháp cũng như cách dạy tiếng Anh hiệu quả cho những lớp học này? Jason Anderson là tác giả kiêm nhà tư vấn giáo dục sẽ đưa ra một vài giải pháp cho các bạn.
Định nghĩa về lớp học lớn – “large class”
Để xác định thế nào là một lớp học lớn, người ta thường dựa vào sĩ số học sinh, khuôn viên lớp học và sự kỳ vọng từ các học viên. Ở Châu Âu, các giáo viên trường tư thục thường đứng lớp có từ 10 đến 15 học viên. Nhưng khi số học viên lên đến 20 thì lớp học này được coi là lớn. Tuy nhiên, đối với nhiều giáo viên tiểu học và trung học trên khắp thế giới, việc dạy 30 đến 40 học sinh mới là vấn đề, còn một lớp chỉ có khoảng 20 học sinh sẽ là một điều đáng hoan nghênh. Do đó, không có gì ngạc nhiên, khi nhiều người có những khái niệm khác nhau về “large class – lớp học lớn”.
Gần đây có một số định nghĩa về “large class” trên thế giới cho rằng: một lớp học được cho là lớn khi có khoảng 30 đến 50 sinh viên trong một lớp và điều này dẫn đến một số thách thức về tính hiệu quả trong việc dạy và học.
Nơi nào trên thế giới có giáo viên phải đối mặt với “large class” mỗi ngày?
Có lẽ câu trả lời là Châu Phi (cận Sahara) và Châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam) – hai lục địa có giáo viên thường xuyên phải làm việc trong các lớp học lớn. Sở dĩ có kết quả này là do các nước đang phát triển thường vật lộn để đạt được mục tiêu 100% sinh viên được nhập học, nhưng lại không có nhiều kinh phí và thời gian để xây dựng trường mới hoặc đào tạo thêm nhiều giáo viên.
Tuy nhiên, hình ảnh này không phổ biến ở tất cả các nước đang phát triển. Vì cũng có nhiều giáo viên làm việc trong các lớp nhỏ (ở nông thôn) với sĩ số lớp học dưới 40 học sinh. Ví dụ như ở đất nước Rwanda hoặc các thị trấn và thành phố Bangladesh, thậm chí là ở Botswana – một quốc gia thuộc châu Phi.
Các lớp học lớn không phải chỉ diễn ra duy nhất cho các nước có thu nhập thấp, mà chúng ta còn có thể bắt gặp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Từ các lớp học tiếng Anh miễn phí cho người nhập cư ở Hoa Kỳ, đến các lớp học tại trung tâm tiếng Anh cho trẻ em trong các trại tị nạn ở Trung Đông. Đặc biệt, một điểm chung ở hầu hết các quốc gia là sinh viên ở các trường đại học luôn thấy có nhiều hơn 40 bạn ở trong lớp.
Những thách thức cho các lớp học lớn
Chúng ta có thể chia các thách thức thành hai nhóm như sau:
1. Những thách thức chung khi làm việc trong các lớp học lớn (TLC challenges):
Quản lý lớp học: giáo viên thường mất nhiều thời gian và năng lượng hơn trong việc tổ chức lớp học/người học, đưa ra hướng dẫn, duy trì kiểm soát và kỷ luật hoặc tổ chức công việc nhóm.
Dạy cho toàn bộ các học viên trong lớp: Thật khó để giáo viên có thể giải thích một khái niệm hoặc yêu cầu học viên trả lời câu hỏi, khoanh tròn từ vựng mới, v.v... vì những học viên ngồi xa có thể không nghe thấy yêu cầu từ giáo viên và đôi khi họ cũng cảm thấy mình không được quan tâm.
Năng lực không đồng đều: chắc chắn trong một lớp học lớn, sẽ có những học viên nhanh nhẹn tiếp thu kiến thức và ngược lại, có những học viên cần thêm nhiều sự giúp đỡ. Việc giáo viên giảng lại cho những học viên có năng lực thấp sẽ khiến các học viên có trình độ cao cảm thấy chán nản vì họ đã hiểu rồi. Trái lại, nếu giảng dạy với chương trình cao hơn sẽ khiến những học viên không đủ năng lực cảm thấy tự ti và thất vọng về bản thân khi họ không thể trả lời được câu hỏi của giáo viên, v.v…
Thời gian thi: Hầu hết giáo viên trong các lớp học lớn đều cảm thấy thật khó khăn khi tổ chức các buổi kiểm tra và chấm bài thi. Vì họ phải đảm bảo mỗi học sinh đều thực sự đã sẵn sàng và có khả năng hoàn thành tốt bài thi đúng thời gian.
Nguồn lực hạn chế: Các lớp học đông đúc thường được tìm thấy trong các quốc gia có thu nhập thấp, đôi khi điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên như: không có đủ sách giáo khoa, tài liệu cho học sinh, không đủ các trang thiết bị cho việc dạy và học được hiệu quả.
2. Những thách thức dành riêng cho việc giảng dạy ngôn ngữ (tiếng Anh) trong các lớp học lớn (TELC Challenges)
Luyện tập kỹ năng ngôn ngữ: Chúng ta đều biết rằng để học một ngôn ngữ, chúng ta cần phải sử dụng nó mỗi ngày. Tuy nhiên, trong các lớp học lớn, đây có thể là một thách thức thực sự khi bắt người học nói tiếng Anh. Một số học viên sẽ cảm thấy không muốn nói chuyện với nhau bằng tiếng nước ngoài, những học viên còn lại thì cần nhiều sự trợ giúp để nói một câu tiếng Anh trọn vẹn. Điều này dẫn đến những tiếng ồn không thể kiểm soát. Ngoài ra, một thách thức khác là học viên cần nhiều sách truyện hơn để học thực hành và thiết bị âm thanh (CD, loa ngoài) để rèn luyện kỹ năng nghe.
Gửi phản hồi cho học viên: Để cải thiện và học hỏi từ những sai lầm, người học ngôn ngữ cần sự phản hồi từ giáo viên, nhưng điều này dường như rất khó khăn trong các lớp học lớn.
Làm thế nào để nói tiếng Anh thật tự tin? - sách hướng dẫn miễn phí - Mọi thứ bạn cần để giúp con mình tự tin khi nói tiếng Anh
Tải sách hướng dẫn
Đi tìm giải pháp cho các vấn đề trong lớp học
Vì có quá ít nghiên cứu về việc dạy tiếng Anh trong các lớp học lớn nên sẽ rất khó để đưa ra giải pháp cụ thể. Những thông tin tiếp theo sẽ là các ý tưởng để giúp giáo viên hướng tới các giải pháp của riêng họ cho các vấn đề cụ thể mà họ phải đối mặt. Vì các lớp học lớn thường có những thách thức rất khác nhau.
Trong hội thảo trực tuyến của Hội đồng Anh về vấn đề giảng dạy tiếng Anh trong các hoàn cảnh khó khăn, Richard Smith và Amol Padwad đã chỉ ra cách biến những thách thức thành những câu hỏi. Họ đưa ra ví dụ như sau:
Vấn đề: Học sinh của tôi không có động lực để nói tiếng Anh.
Câu hỏi: Tôi có thể làm gì để khuyến khích học sinh nói tiếng Anh?
Khi chúng ta có một câu hỏi, chúng ta có thể bắt đầu một quá trình “Nghiên cứu Hành động” trong lớp. Bằng cách thử các ý tưởng khác nhau và phản hồi khi các học viên làm tốt nhiệm vụ được giao, chúng ta có thể tìm ra giải pháp hoặc cách giải quyết tạm thời một vấn đề. Nếu chúng ta thực hiện điều này với các đồng nghiệp của mình, nó sẽ trở thành một cuộc điều tra chung giúp chúng ta có thể tiếp cận các quan điểm khác nhau để tìm giải pháp phù hợp với văn hóa và thực tiễn đang diễn ra trong lớp học. Khi chúng ta tìm kiếm các giải pháp cho riêng mình, chúng ta cũng có thể trở nên độc lập hơn, không còn phải phụ thuộc vào những giải pháp được du nhập từ các nước phát triển cho các vấn đề của mình, đặc biệt là các phương pháp từ Anh hoặc Mỹ.
Là một phần của cộng đồng giáo viên giảng dạy tại các lớp học lớn, chúng ta nên có những ý tưởng riêng cho các phương pháp giảng dạy ngôn ngữ tại các lớp này, có thể đúc kết kinh nghiệm từ quá khứ và thực tại hay thậm chí là từ các phương pháp truyền thống. Chúng ta có thể nhìn vào văn hóa và lịch sử của chính mình hoặc các quốc gia khác trên thế giới thông qua internet, nơi mà cũng có những vấn đề phát sinh tương tự trong các lớp học lớn.
Minh họa về các giải pháp có thể sử dụng cho việc dạy tiếng Anh trong các lớp học lớn
Học tập dựa trên các hoạt động:
Học tập dựa trên các hoạt động (ABL – Activity-based learning) lần đầu tiên được phát triển trong các lớp học lớn ở Ấn Độ và vẫn còn tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. ABL trở thành một giải pháp cụ thể cho những thách thức trong các lớp học lớn. Phương pháp ABL cho phép mỗi học viên được học theo tốc độ riêng của mình thông qua một giáo trình, hoàn thành các hoạt động và làm nhiệm vụ tự đánh giá vào cuối mỗi tiết học. Trong mỗi bài học, giáo viên có thể dành thời gian cho từng học sinh hoặc làm việc với các nhóm nhỏ trong khi những học viên khác bận rộn với các hoạt động khác trong bài học.
ABL mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho giáo viên, nó cho phép tất cả học viên thể hiện hết khả năng của mình để đạt được hiệu quả trong học tập và tiến bộ mỗi ngày. Điều này giúp giảm các hình thức quản lý lớp học cho các giáo viên. Học sinh có thể làm việc độc lập hay thậm chí là tự đánh giá công việc của mình, giảm gánh nặng mà giáo viên phải đối mặt khi chấm điểm cho học sinh. Phương pháp này không đòi hỏi nhiều nguồn tài nguyên, tuy nhiên sẽ hạn chế rất nhiều nếu lớp học ngày càng phát triển số lượng học sinh lớn hơn.
Chiến lược cho việc dạy toàn bộ học sinh: suy nghĩ - làm việc theo cặp - chia sẻ
Mặc dù các phương pháp lấy người học làm trung tâm như ABL đã góp phần thúc đẩy nỗ lực cải thiện việc học ở các lớp học lớn trong 30 năm qua. Nhưng nếu các bài học nếu được giáo viên hướng dẫn cẩn thận cũng có thể giúp học viên đạt hiệu quả không kém, kể cả trong giáo dục truyền thống và giảng dạy ngôn ngữ. Theo nghiên cứu, vấn đề quan trọng nhất là cần để học sinh tham gia về mặt tinh thần.
Một chiến lược giảng dạy cho toàn thể lớp học có tên là: think, pair, share (suy nghĩ – bắt cặp – chia sẻ), thường hiệu quả khi được sử dụng bởi các giáo viên truyền thống, nhưng lại không được biết đến nhiều trong việc dạy tiếng Anh.
Phương pháp này có thể hữu ích khi được dùng để kiểm tra việc đọc hiểu/nghe hiểu một văn bản hoặc kiểm tra sự hiểu biết về từ vựng mới hay các khái niệm ngữ pháp. Giáo viên hỏi một câu hỏi, nhưng thay vì chấp nhận câu trả lời đầu tiên (thường từ một học sinh mạnh mẽ và đầy tự tin), giáo viên sẽ nói: “think, pair, share”. Học sinh sẽ im lặng vài giây để suy nghĩ, sau đó thảo luận câu trả lời với một bạn khác và cuối cùng là chia sẻ câu trả lời cho cả lớp.
Cách làm này cần khá nhiều thời gian chờ đợi để học sinh suy nghĩ và sau đó so sánh ý tưởng trước khi trả lời. Nó có thể thúc đẩy những học sinh nhút nhát trở nên mạnh dạn trả lời câu hỏi, tăng khả năng ngôn ngữ nếu được khuyến khích thảo luận bằng tiếng Anh.
Hoạt động để thực hành kỹ năng Viết: dịch ngược
Mặc dù các hoạt động dịch nghĩa thường bị lược bỏ trong phương pháp giảng dạy ở các nước phương Tây trong suốt thế kỷ 20. Nhưng phương pháp này lại thường được sử dụng trong các lớp học lớn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ngày nay, các nước phương Tây đã bắt đầu muốn vực dậy phương pháp này một lần nữa.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là: dịch ngược (xuất phát từ các nghiên cứu dịch thuật). Có bốn giai đoạn để thực hiện. Đầu tiên, người học nghiên cứu một văn bản bằng tiếng Anh (văn bản có thể ngắn hoặc dài). Sau đó, yêu cầu học viên dịch văn bản này sang tiếng mẹ đẻ. Tiếp theo, văn bản gốc tiếng Anh bị ẩn đi và người học phải dịch văn bản tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh. Cuối cùng, họ so sánh văn bản dịch với văn bản gốc tiếng Anh để ghi nhận sự khác biệt, các lỗi sai và tự sửa. Điều này giúp học viên tiến bộ rất nhanh trong trong các kỹ năng ngôn ngữ như: Viết, Dịch thuật, v.v… mà không cần đến sự trợ giúp quá nhiều từ giáo viên.
Tổng kết
Hy vọng rằng, các ví dụ đưa ra trên đây sẽ giúp truyền cảm hứng cho giáo viên tìm ra các ý tưởng cho các lớp học lớn. Bằng cách phát triển các giải pháp của riêng, giáo viên cũng sẽ phát triển kỹ năng tư duy phê phán và sự sáng tạo của mình.