Phần thi này đem đến khá nhiều khó khăn và áp lực cho thí sinh vì nó khó dự đoán và có phần thiếu tự nhiên. Trong thực tế, chúng ta hiếm khi nói chuyện với ai đó liên tục trong một đến hai phút. Trong những cuộc hội thoại thông thường, chúng ta thường tương tác qua lại bằng những câu hỏi. Nhưng trong bài thi nói phần 2, bạn chính là trung tâm của sự chú ý.

Hãy tham khảo những bí quyết sau để tìm hiểu phương pháp tốt nhất dành cho bạn.

#1 Ngữ pháp

Điểm mấu chốt là bạn phải đọc câu hỏi thật kỹ. Ngoài việc bạn có thể cần phải thay đổi ngữ pháp sao cho phù hợp trong phần độc thoại, bạn cũng cần biết nên bắt đầu từ đâu.

Bạn có thể được hỏi về những điều đã xảy ra hoặc những sự kiện trong quá khứ. Bạn cũng có thể được hỏi về nơi hoặc đồ vật yêu thích hay về tương lai. Bạn sẽ không thể biết trước mình sẽ được hỏi về điều gì. Vì thế, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khả năng có thể xảy ra.

Một số câu hỏi ví dụ

  • Describe a book you have recently read. (Hãy nói về một cuốn sách bạn đọc gần đây - Thì quá khứ)
  • Describe an interesting hobby you like to do. (Hãy nói về một sở thích của bạn - Thì hiện tại)
  • Describe a language you would like to learn. (Hãy miêu tả một ngôn ngữ bạn muốn học - Thì tương lai, dự đoán)

#2 Từ vựng

Như đã từng đề cập trong video trước về bài thi nói phần 1, bạn nên dùng từ ngữ phù hợp với câu hỏi và chủ đề. Nhiều thí sinh bối rối giữa việc dùng từ vựng đa dạng và từ ngữ ‘đao to búa lớn’ để thể hiện vốn từ đã học. Tuy nhiên, sự phù hợp là yếu tố then chốt. 

Tương tự, bạn cũng cần chuẩn bị sẵn vốn từ đồng nghĩa. Bạn nên sử dụng đa dạng các loại từ vựng, tuy nhiên, không cần dùng những từ ngữ quá ‘đao to búa lớn’. Hãy đảm bảo sự phù hợp trong việc sử dụng từ vựng.

Nếu bạn đã quen dùng những từ này một cách tự nhiên trong các bài luyện nói, hãy cứ sử dụng chúng. Tuy nhiên, nếu bạn đang cố gắng lồng ghép vào bài thi nói, giám khảo hoàn toàn có thể phát hiện ra sự thiếu tự nhiên này.

#3 Kể chuyện

Có nhiều cách để trả lời câu hỏi trong bài thi IELTS Speaking phần 2.

Bạn có thể trả lời thẳng vào câu hỏi dựa vào các gợi ý của đề bài. Tuy nhiên, cách tốt nhất để trả lời câu hỏi phần này là kể chuyện. 

Vì sao nên kể chuyện? Vì bạn đã trải qua, đã biết những sự kiện đã diễn ra. Bạn biết ai đã có mặt trong sự kiện đó, cảm giác như thế nào, sự kiện đó ra sao và nó đã khiến bạn thay đổi hoặc tạo ra sự khác biệt nào. Cách này sẽ giúp bạn chuẩn bị cho câu trả lời dễ dàng hơn.

Nghĩ về những gì sắp nói cũng là một cách giúp bạn giảm căng thẳng. Thông thường, khi kể chuyện, chúng ta ít khi bị bí ý tưởng. Việc trả lời câu hỏi theo cách kể chuyện sẽ giúp bạn nói tự nhiên. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thành công trong bài thi nói IELTS.

Ví dụ, nếu bạn nhận được đề bài 'Describe a possession you have that is very important to you' (Miêu tả một vật sở hữu quan trọng đối với bạn), bạn có thể bắt đầu trả lời bằng cách nêu tên vật đó sau đó bắt đầu kể về cách vật đó xuất hiện trong cuộc đời bạn. 

Khi này, hãy tiếp tục câu chuyện của bạn và bạn sẽ không kịp nhận ra bạn đã nói đủ thời lượng yêu cầu từ bao giờ. Cuối cùng, câu chuyện giúp bạn có cơ hội sử dụng đa dạng các thì trong tiếng Anh để gây ấn tượng với giám khảo.

#4 Sử dụng gợi ý như định hướng và giới hạn an toàn

Nhiều học viên khi nhận được đề thi nói, thay vì kể chuyện, các bạn lại cố trả lời theo thứ tự các gợi ý trong đề bài. Không may thay, đôi khi dù bạn đã trả lời hết các gợi ý, bạn vẫn còn đến một phút và không còn ý để tiếp tục câu trả lời.

Đừng để bản thân rơi vào trường hợp này!

Chúng ta đã nói về việc kể một câu chuyện ở phần trước, các bạn hãy sử dụng gợi ý không chỉ là định hướng cho câu trả lời mà còn là giới hạn an toàn. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ nên tận dụng gợi ý khi bạn thực sự hết ý để nói khi kể câu chuyện của mình.

Khi bạn hết ý quá sớm, những gợi ý này sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn hoàn thành bài thi nói phần 2 với độ dài như ý.

#5 Diễn đạt lại câu hỏi theo cách khác

Một điểm quan trọng bạn cần nhớ đó là bắt đầu trả lời câu hỏi của phần thi này bằng một lời giới thiệu về điều bạn sắp nói bằng cách diễn đạt lại câu hỏi theo cách khác.

Một trong những cách mở đầu câu trả lời đó là mẫu câu ‘I am going to talk about + diễn tả câu hỏi theo một cách khác’.

#6 Hãy nói cho đến khi giám khảo dừng bạn lại

Nếu dùng cách kể chuyện, bạn có thể kéo dài thời gian nói lên đến hai phút hoặc hơn. Giám khảo có thể dừng bạn lại khi hết giờ vì đó là quy định của kỳ thi. Do đó, bạn nên tận dụng triệt để thời gian để gây ấn tượng với giám khảo bằng khả năng nói của mình.

Nếu bạn dừng nói quá sớm, có khả năng là giám khảo sẽ chưa thể đánh giá chính xác khả năng nói của bạn.

Để tránh điều đó xảy ra, hãy luyện nói tại nhà trong hai phút rưỡi đến ba phút để giúp bạn vượt qua hai phút trong bài thi một cách dễ dàng.

#7 Nói đúng chủ đề

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng bạn không nên chủ quan. 

Đôi khi bạn bắt đầu câu trả lời rất đúng trọng tâm chủ đề nhưng lại kết thúc phần thi khá xa với chủ đề. Hãy nhớ sử dụng gợi ý trong câu hỏi để câu trả lời đi đúng hướng.

Tuy vậy, chỉ cần bạn vẫn nói liên quan đến chủ đề chính, đặc biệt khi kể câu chuyện liên quan đến chủ đề đó, thì câu trả lời của bạn vẫn ổn.

Xem thêm

Thông tin liên quan