Thảo luận nhóm thường diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau – từ gần gũi, thân mật với bạn bè đến các cuộc thảo luận mang tính đặc trưng và có nhiều thách thức. Đối với việc học Anh ngữ, thảo luận nhóm cũng được coi là một cách học hiệu quả. Trong mọi trường hợp, ta có thể giúp học viên phát triển các kỹ năng tốt hơn để nâng cao hiệu quả của các cuộc thảo luận nhóm.
Tại sao nên dạy các kỹ năng thảo luận nhóm?
Việc phát triển kỹ năng thảo luận nhóm là cực kỳ hữu ích cho cuộc sống hàng ngày, khi chúng ta thường sử dụng chúng ngay trong các cuộc trò chuyện với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp. Các cuộc thảo luận có nhiều hình thức khá đa dạng, từ thân mật trò chuyện về những việc diễn ra hàng ngày, cho đến các chủ đề nghiêm túc hơn như thảo luận về một tin tức hay cần giải quyết một vấn đề nào đó.
Bên cạnh đó, thảo luận nhóm đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trên thị trường tuyển dụng, diễn ra trong các vòng tuyển chọn hoặc phỏng vấn. Các vòng tuyển dụng này có thể có hình thức khác nhau, nhưng nhìn chung các kỹ năng chính vẫn tương đồng và cần được vận dụng.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đối với các học viên tiếng Anh, thảo luận nhóm được xem như một cách học tiếng Anh hiệu quả giúp trau dồi, rèn luyện kỹ năng nói (và nghe). Việc rèn luyện thảo luận nhóm song song với phát triển kỹ năng sẽ thật sự hữu ích và mang lại hiệu quả học tập tốt hơn cho các học viên.
Các hình thức thảo luận
Có nhiều hình thức thảo luận nhóm khác nhau, thường diễn ra một cách tự nhiên như khi chúng ta cùng giải trí và trò chuyện trên lớp. Khi thảo luận, người tham gia phải:
- ra quyết định (ví dụ: quyết định sẽ mời ai đến bữa tiệc và địa điểm tổ chức)
- đưa ra hoặc chia sẻ ý kiến về chủ đề nào đó (ví dụ: thảo luận về tính hiệu quả của bản án tử hình)
- sáng tạo điều gì đó (ví dụ: lập kế hoạch và thiết kế áp phích cho một khóa học ngôn ngữ)
- giải quyết vấn đề (ví dụ: thảo luận về những tình huống xảy ra sau một loạt những vấn đề logic)
Một vài chủ đề thảo luận có thể thuộc nhiều hơn một trong số những hình thức này, nhưng lại hữu ích với các học viên khi có thể cân nhắc và ứng dụng những kỹ năng mà mình được học.
Làm thế nào để nói tiếng Anh thật tự tin? - sách hướng dẫn miễn phí - Mọi thứ bạn cần để giúp con mình tự tin khi nói tiếng Anh
Tải sách hướng dẫn
Các kỹ năng phụ hữu ích dành cho học viên
Khi tham gia một cuộc thảo luận, các học viên cần nhiều kỹ năng phụ để có thể thành công và nâng cao hiệu quả. Các kỹ năng phụ cần được phát triển có thể kể đến như:
Phân tích
Kỹ năng phân tích có thể được rèn luyện bằng cách cho học viên một chủ đề riêng, yêu cầu họ “động não” (brainstorming) hoặc lập sơ đồ tư duy (mindmap) về tất cả những chủ đề phụ có thể nghĩ đến. Sau đó, học viên có thể trao đổi những ghi chú của mình, đồng thời đánh giá và phân tích sự liên quan giữa các chủ đề phụ. Sau khi đánh giá và phân tích sự liên quan, học viên có thể cùng nhau lập ra một danh sách hoặc sơ đồ tư duy mới và thảo luận về cách các chủ đề phụ được liên kết với nhau, cùng với những lý do hoặc dẫn chứng để củng cố thêm lập luận.
Thuyết phục
Kỹ năng thuyết phục sẽ trở nên hữu ích khi học viên cần đưa ra quyết định cho một vấn đề nào đó (ví dụ: nên chọn ứng viên nào trúng tuyển cho vị trí tuyển dụng?). Hoạt động thú vị để phát triển tốt kỹ năng này chính là đưa chủ đề này đến các nhóm học viên, yêu cầu họ chọn ra bộ hồ sơ của ứng viên xuất sắc, cùng với một danh sách bảy (7) tính từ. Các học viên sau đó được nhóm lại với nhau, yêu cầu phải thuyết phục các thành viên khác trong nhóm rằng vì sao lại lựa chọn và vì sao đó lại là hồ sơ tốt nhất. Các thành viên nào nhận được nhiều sự đồng tình từ nhóm hơn sẽ là người chiến thắng. Lưu ý: Trong quá trình tham gia hoạt động, hãy ghi lại những tính từ tiếng Anh bạn cảm thấy hữu ích để tham khảo về sau.
Kiểm soát cảm xúc
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc có thể được rèn luyện bằng cách cho các học viên một vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như “Bạn bè quan trọng hơn gia đình” và yêu cầu học viên đưa ra quan điểm: đồng ý, không đồng ý hay không có ý kiến, đồng thời ghi lại các lập luận để củng cố quan điểm. Chia các học viên thành từng nhóm và đảm bảo rằng các nhóm luôn có đủ các quan điểm khác nhau. Hãy giải thích với các học viên, mục tiêu của hoạt động này nhằm giúp học viên luôn giữ được giọng nói ở mức thấp, và cố gắng kiểm soát cảm xúc tốt nhất có thể. Cuối cùng, hãy theo dõi và đưa ra phản hồi về tất cả các hoạt động mà các nhóm đã thực hiện.
Hỗ trợ
Một trong những điều quan trọng nhất của kỹ năng này là hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc. Rất nhiều học viên thường có xu hướng “nói leo”, lấn át người khác để làm bật quan điểm của mình mà quên mất việc phải lắng nghe.
Để rèn luyện kỹ năng này, trước hết những người tham gia cần lập một danh sách tình huống: khi nào nên và không nên làm gián đoạn người khác khi họ đang phát biểu. Các trường hợp không nên làm gián đoạn có thể là: khi đang ở giữa cuộc thảo luận, cuộc thảo luận không quá dài dòng hay người nói không phát biểu quá nhiều… Ngược lại, người chủ trì có thể làm gián đoạn khi người nói đang khiến cuộc thảo luận trở nên dài dòng, những điều người đang nói không liên quan đến chủ đề hoặc khi mọi người không hiểu điều mà họ đang phát biểu…
Sau đó, thảo luận để có thể đưa hoặc gợi ra một danh sách các cụm từ sử dụng để gián đoạn một cách lịch sự (như “Tôi có thể bổ sung thêm ý này không?”, “Xin lỗi, tôi chỉ muốn làm rõ điều này…”). Các bạn sẽ viết năm (5) trong số những cụm từ này vào các tờ giấy, và tiến hành thảo luận nhóm về một chủ đề nhất định. Mục đích của hoạt động này là để sử dụng hết các cụm từ trên giấy. Sau khi đã sử dụng một cụm từ, bạn sẽ đặt tờ giấy tương ứng vào giữa bàn. Các học viên sẽ đánh giá xem mỗi sự gián đoạn có phù hợp hoặc lịch sự hay không. Nếu không, người làm gián đoạn sẽ phải rút lại giấy và thử lại lần nữa.
Sử dụng ngôn ngữ chức năng
Tùy vào hình thức thảo luận nhóm mà bạn định thực hiện, hãy lập ra danh sách ngôn ngữ chức năng phù hợp để học viên có thể tham khảo. Danh sách này có thể bao gồm các cụm từ chức năng như: “Đưa ra lý do”, “Đưa ra ý kiến của bạn”, “Đồng ý và không đồng ý”… Bạn có thể tự lập danh sách hoặc yêu cầu các bạn khác cùng thực hiện điều này. Đối với mỗi cuộc thảo luận nhóm, hãy hướng dẫn qua về các cụm từ và cho các bạn khác một vài phút tự tìm hiểu trước khi bắt đầu thảo luận.
Tổ chức các cuộc thảo luận nhóm
Có một vài điều quan trọng cần chú ý đến khi tổ chức các cuộc thảo luận nhóm, nhằm nâng cao hiệu quả, giúp cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp hơn. Đó là:
- cho người tham gia thời gian chuẩn bị khi thảo luận cá nhân hay thảo luận nhóm. Đừng chỉ giao cho học viên đề bài và nói “Bắt đầu đi”. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong các cách học tiếng Anh hiệu quả nói chung và thảo luận nhóm nói riêng, nhất là khi thảo luận về từ vựng liên quan hoặc ngôn ngữ chức năng hữu ích.
- chọn các chủ đề mà bạn tin rằng học viên sẽ cảm thấy hứng thú
- yêu cầu mọi người “động não”, suy nghĩ các ý tưởng trước khi bắt đầu thảo luận
- đảm bảo sự cân bằng giữa tiếp thu và thực hành
- sử dụng đa dạng phong cách/hình thức
- thay đổi quy mô nhóm và quy trình thảo luận nhóm: Một số doanh nghiệp thảo luận nhóm với số người rất lớn – hơn mười (10) người trong một vài trường hợp. Vì thế, nên đa dạng quy mô thảo luận để đảm bảo luôn sẵn sàng cho những tình huống tương tự trong tương lai.
Đưa ra những phản hồi tích cực
Việc phản hồi cũng có những hình thức khác nhau và sẽ tốt hơn nếu biết thay đổi cách thức sử dụng các hình thức này. Học viên có thể quan sát lẫn nhau khi thảo luận nhóm và đưa ra những phản hồi (lý tưởng nhất là sử dụng mẫu phản hồi mà bạn đã đưa ra). Ngoài ra, các bạn có thể thực hành “bài tập phản biện nhóm” sau khi kết thúc, nhằm chỉ ra hiệu quả của từng người trong suốt cuộc thảo luận. Một lần nữa, hãy giúp họ hiểu hơn về quá trình này bằng cách đưa cho họ một số câu hỏi cần phải tập trung. Bạn cũng có thể quay video ghi lại các cuộc thảo luận nhóm và phát lại cho mọi người để họ có thể tự phân tích và đánh giá. Cuối cùng, hãy liên tục theo dõi các nhóm và ghi chú lại bằng các phản hồi để người học có thể thấy được mình tiến bộ đến đâu.
Kết luận
Từ bài viết trên đây, có thể thấy các hình thức thảo luận nhóm khá đa dạng và hữu ích với tất cả các học viên. Chúng có thể được sử dụng nhằm chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn xin việc hoặc khi muốn trao dồi thêm kỹ năng nói như một cách học tiếng Anh hiệu quả. Điều quan trọng là phải cân nhắc các kỹ năng phụ khác nhau liên quan đến việc tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm và đảm bảo rằng bạn có thể vận dụng tốt các kỹ năng này.