Bài viết “Cách học tiếng Anh giao tiếp qua video cho người trẻ tuổi – Phần 2” sẽ tập trung giới thiệu các hoạt động diễn ra trong lớp học khi sử dụng video là một phương pháp học tập. Cách thức video được sử dụng hay các tài liệu được chuẩn bị kèm theo khi sử dụng sẽ phụ thuộc phần lớn vào vai trò của video trong buổi học.

Trong thời điểm hiện tại, người ta ủng hộ hướng tiếp cận tích hợp, không chỉ đơn giản sử dụng một cách độc lập mà phải trong một chuỗi các giai đoạn như: trước khi xem, trong khi xem và sau khi xem video. Chuỗi các giai đoạn này cũng phụ thuộc vào vai trò sử dụng của video. Ví dụ, nếu video được sử dụng như một “liều thuốc” kích thích cảm hứng học tập, chúng ta có thể bỏ qua giai đoạn trước khi xem. Các hoạt động phù hợp cho cả ba giai đoạn sẽ được đề xuất rõ hơn trong bài viết.

Giai đoạn trước khi xem

Bất kỳ hoạt động thuộc giai đoạn “trước khi xem” nào cũng sẽ liên quan mật thiết đến việc phát triển sự tiếp thu của người học. Giáo viên có thể áp dụng các hoạt động sau đây cho giai đoạn này:

  • nói với học viên rằng họ sẽ được xem/nghe một câu chuyện/mẩu quảng cáo/tin tức. Họ mong chờ điều gì khi nghe và xem?
  • thảo luận cùng nhau về chủ đề của video
  • học viên sẽ chơi giải đố về chủ đề của video. Câu đố có thể là đúng hoặc sai (True/False) hoặc những câu hỏi mở
  • cho học viên hai phút để suy nghĩ những từ vựng liên quan đến chủ đề
  • học viên tóm tắt lại video theo thứ tự
  • tắt âm thanh video đi, cho học viên xem và yêu cầu họ đoán chủ đề của video
  • học viên đọc những mẩu chuyện/tin tức liên quan đến chủ đề của video
  • sử dụng câu chuyện: Sử dụng các thẻ flashcard về câu chuyện, yêu cầu học viên đoán những gì sẽ xảy ra trong câu chuyện đó. Các thẻ flashcard có thể được tạo bằng bìa cứng hoặc giấy A4, và được minh họa bằng các hình vẽ đơn giản
  • sử dụng câu chuyện: Học viên dự đoán câu chuyện bằng cách đánh số các hình ảnh từ câu chuyện lên bảng tính. Tạo bảng tính bằng cách vẽ các hình ảnh cơ bản minh họa các ý chính của câu chuyện lên giấy. Chú ý để các ý chính có thứ tự khác với thứ tự chúng xuất hiện trong mẩu chuyện.

Làm thế nào để nói tiếng Anh thật tự tin? - sách hướng dẫn miễn phí - Mọi thứ bạn cần để giúp con mình tự tin khi nói tiếng Anh
Tải sách hướng dẫn

Giai đoạn trong khi xem

Trong hầu hết các trường hợp, giáo viên thường muốn học viên của mình xem video một hoặc nhiều lần. Mục tiêu của việc xem video lần đầu tiên và nhiều lần sau nữa có thể không giống nhau. Với lần đầu, mục tiêu cần đạt thường là phát triển kỹ năng nghe, đặc biệt là nghe để hiểu được ý nghĩa một cách tổng quát. Các hoạt động khi xem video lần thứ hai hoặc ba thường là cung cấp thông tin (cung cấp những nội dung liên quan đến nhu cầu và sở thích của học viên), trình bày hoặc củng cố ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng, chức năng).

Các hoạt động có thể áp dụng:

  • phát triển kỹ năng nghe
  • học viên xem video để kiểm chứng những dự đoán trong giai đoạn trước khi xem
  • học viên trả lời những câu hỏi tổng quát
  • giáo viên dừng video và yêu cầu học viên dự đoán những gì xảy ra tiếp theo
  • cung cấp thông tin
  • học viên ghi chú những nội dung sẽ được sử dụng trong hoạt động sau khi xem. Đó có thể là những thông tin họ nghe hoặc thấy được
  • học viên nghe các từ vựng vừa được dạy (6–8 từ là đủ). Khi nghe được một từ nào đó, học viên sẽ nói “dừng”, có thể nghe lại một vài lần hoặc nghe tiếp các từ còn lại
  • học viên nghe ví dụ về các cấu trúc ngữ pháp và ghi lại
  • học viên tham gia kể chuyện cùng với video. Có thể thực hiện hoạt động này khi đã xem được một vài lần. Học viên được giao “đóng giả” một nhân vật trong câu chuyện, khi đoạn thoại của nhân vật đó sẽ bị tắt bất ngờ vào bất kỳ lúc nào, học viên phải nói được những câu thoại của nhân vật đó.

Giai đoạn sau khi xem

Những hoạt động ở giai đoạn sau khi xem thường liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ có trong video, hoặc video có thể được sử dụng đơn giản như một phương pháp kích thích cảm hứng học tập.

Các hoạt động:

Sử dụng ngôn ngữ:

  • đọc tường thuật về câu chuyện/tin tức và so sánh với video
  • diễn/ghi lại video theo cách của riêng họ
  • viết các đoạn hội thoại tương tự như đoạn họ nghe trên video

Hoạt động dự án:

  • tạo áp phích hoặc các bảng hiển thị trên tường
  • sử dụng internet để tìm kiếm thông tin về chủ đề video

Hoạt động thủ công:

  • vẽ các nhân vật trong câu chuyện
  • viết sách dựa trên câu chuyện

Các hoạt động mang tính khơi gợi cảm hứng:

  • thảo luận về ý nghĩa của video
  • mô tả người trong video
  • đoán số tuổi của người trong video
  • bầu chọn người xấu và đẹp nhất

Chúc các bạn tìm được phương pháp học phù hợp cho mình. Và hãy đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng khám phá các phương pháp học phù hợp với bản thân.

Thông tin liên quan