Bài viết đầu tiên trong chuỗi bài “Cách học tiếng Anh qua video cho những người trẻ tuổi” sẽ thảo luận về các vấn đề xoay quanh video, bao gồm lợi ích và hạn chế tiềm ẩn khi sử dụng video, vai trò cũng như các tiêu chí chọn lựa video. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất một số ý tưởng về các loại video Anh văn thiếu nhi và Anh văn cho người trẻ tuổi trong bài viết này.
Những lợi ích sử dụng video trong lớp học
Video mang đến nhiều lợi ích trong việc học hỏi và tiếp thu tiếng Anh. Chúng ta hãy tạm chia thành hai đối tượng: học viên thiếu nhi (từ 3–8 tuổi) và học viên trẻ tuổi để tìm hiểu xem những lợi ích mang lại thông qua việc sử dụng video trong lớp học là gì nhé.
Đối với học viên từ 3–8 tuổi
- Trẻ em rất thích học ngôn ngữ thông qua video. Tomalin đã nói rằng: “Một trong những mục tiêu của việc dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ chính là việc giúp trẻ hiểu rằng học ngôn ngữ là một trải nghiệm rất vui, và video chính là công cụ giúp tạo ra một môi trường học tập thú vị, hấp dẫn.”
- Video là phương pháp học ngôn ngữ cơ thể hiệu quả. Các học viên nhỏ tuổi vẫn đang tìm hiểu và học hỏi về thế giới quanh họ mỗi ngày.
- Trẻ em sẽ cảm thấy tự tin hơn thông qua những bài học thuộc lòng. Trẻ nhỏ thích nghe đi nghe lại những mẩu chuyện nhiều lần cũng giống như việc xem video vậy. Bằng cách xem video một vài lần, trẻ có thể học hiệu quả qua việc tiếp thu và bắt chước.
Đối với các học viên trẻ tuổi khác
- Video truyền đạt ý nghĩa tốt hơn so với phương tiện khác. Video có thể truyền đạt nội dung tốt hơn so với việc sử dụng một chiếc băng cát-sét. Thông qua video, học viên có thể dễ dàng thấy được ai (hoặc cái gì) đang nói, người nói đang ở đâu, đang làm gì… Tất cả những hiển thị trực quan này có thể giúp người học tiếp thu một cách hiệu quả hơn.
- Video đại diện cho những lợi ích tích cực của công nghệ. Hầu hết những người trẻ cảm thấy đặc biệt hứng thú hơn với việc xem ti vi và video. Chúng được đánh giá “hiện đại” hơn so với sách.
Những hạn chế của việc sử dụng video
Video cũng có những “cạm bẫy” tiềm ẩn mà giáo viên cần phải đề phòng. Đó là:
- Sự thụ động. Trẻ em thường ngồi ghế sopha và xem ti vi ở nhà một cách thụ động. Để tránh tình trạng ấy diễn ra trong lớp, giáo viên nên tổ chức các hoạt động thú vị hơn nhằm giúp trẻ vừa tương tác vừa học hỏi thông qua video.
- Một số phụ huynh cảm thấy bực bội khi nghe nói rằng con họ đã xem ti vi suốt trong lớp học. Để ngăn chặn điều này, giáo viên có thể giảm thiểu thời gian xem video đến mức thấp nhất và cung cấp cho phụ huynh những “bằng chứng” chứng minh con họ đã thực sự học thông qua video như: bảng tính, hình ảnh…
Tiêu chí chọn lựa video
Khi lựa chọn video để sử dụng trong lớp học, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Video này có đáng xem hay không? Video có thú vị không? Liệu các học viên trẻ có muốn xem video này không?
- Sự trọn vẹn. Theo Tomalin: “Một video clip lý tưởng có thể kể trọn một câu chuyện hoặc một phần của câu chuyện”. Sự trọn vẹn là tiêu chí quan trọng đối với các học viên trẻ – những người đến với việc học thông qua video chỉ vì sự thích thú.
- Độ dài. Độ dài của video là khá quan trọng. Video không nên quá dài, có thể dao động từ 30 giây đến 10 phút tùy vào mục tiêu học tập.
- Sự phù hợp về mặt nội dung. Nội dung video phải phù hợp với các học viên trẻ tuổi. Video được đánh giá như thế nào: “Tính phổ biến”, “Sự hướng dẫn của ba mẹ”, “Dành cho lứa tuổi nào”. Video ấy liệu có phù hợp với tất cả các nền văn hóa không?
- Mức độ trưởng thành. Trẻ em trưởng thành rất nhanh, nên bạn sẽ không lạ gì khi các bé 7 tuổi gọi video dành cho trẻ 5 tuổi là thứ “quá trẻ con”. Mặt khác, việc cho trẻ nhỏ xem video dành riêng cho các trẻ lớn hơn có thể khiến trẻ không hiểu các khái niệm trong video.
- Có sẵn các tài liệu liên quan. Nhiều video có sẵn các tài liệu dành riêng cho việc dạy ngôn ngữ (như "Wallet and Gromit" trong series phim “Speak Up” của Tây Ban Nha). Có những video có thể được chuyển thể từ sách, và bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng để tham khảo trong khi học qua video (như series phim “Spot” hay những câu chuyện của Eric Carlyle)
Tuy nhiên, nếu video được sử dụng cho việc thuyết trình ngôn ngữ hay các bài tập đọc hiểu, hãy tham khảo các tiêu chí chọn video phù hợp sau:
- Mức độ trực quan. Chọn các cảnh trực quan là một ý tưởng hay. Video càng trực quan, người xem càng dễ hiểu, miễn là những hình ảnh được chọn có thể minh họa tốt ý nghĩa của video.
- Hình ảnh sắc nét, âm thanh rõ ràng. Nếu video được lấy từ ti vi, hãy đảm bảo rằng video đó có hình ảnh sắc nét và âm thanh rõ ràng, dễ nghe.
- Mật độ ngôn ngữ. Tiêu chí này liên quan đến số lượng từ ngữ được nói trong thời gian cụ thể. Những video có mật độ từ ngữ cao có thể khiến học viên khó hiểu và tiếp nhận.
- Sự diễn đạt lời nói. Theo Arcario: “Sự rõ ràng, tốc độ của lời nói và giọng nói là tất cả yếu tố quyết định mức độ khó hiểu của đoạn video”.
- Nội dung. Theo Arcario giải thích: “Khi sử dụng video cho việc thuyết trình ngôn ngữ, một yếu tố quan trọng cần cân nhắc là các thành phần của ngôn ngữ (cấu trúc ngữ pháp, chức năng ngôn ngữ…) được thể hiện trong ngữ cảnh”.Một yếu tố quan trọng khác là sự lặp lại trong nội dung. Các video dành cho học viên trẻ thường chứa nhiều sự lặp lại. Việc xem xét nội dung video có phù hợp với nội dung của chương trình hoặc sách học hay không khá quan trọng, để có thể đưa video vào toàn bộ chương trình học tập.
-
Mức độ ngôn ngữ. Mức độ ngôn ngữ của video nên phù hợp với cấp độ của lớp học, không khiến giáo viên phải giải thích quá nhiều.
Các loại video
- Phim hoạt hình (Spider, Spot, Pingu, Mr Ben, Eric Carlyle stories, loạt phim Wallace and Gromit)
- Chương trình giáo dục (Các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi về khoa học, tự nhiên… như loạt chương trình Dinosaurs, The Blue Planet)
- Quảng cáo truyền hình
- Âm nhạc (các chương trình về nhạc sĩ, video clip)
- Phim truyện
- Series phim truyền hình dành cho người trẻ (tốt hơn nên xem các phim về cuộc sống tại Anh Quốc, nhưng có thể nội dung phim sẽ không dễ hiểu).